Kỳ 3: Văn miếu có thực sự là ngôi đền văn chương (Temple of Literature)?

Đối với người Việt Nam nói chung, đặc biệt là người Hà Nội nói riêng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành một địa điểm hết sức quen thuộc và mang tính tượng trưng.

Năm 1997, Hà Nội quyết định chọn Khuê Văn Các (một công trình thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám) làm biểu tượng cho thành phố.

Trải qua mưa bom bão đạn, biết bao thế hệ đời người đến rồi đi, ngôi đền nghìn năm tuổi vẫn nằm đấy im lìm lặng lẽ, nhưng giữ trong đấy là linh hồn của Thăng Long – Đông Kinh – Hà Nội.

Nhiều năm gần đây, đất nước mở cửa, du khách nước ngoài thường xuyên ghé thăm Hà Nội, Văn Miếu là một trong những địa điểm thăm quan thường xuyên. Mình có gặp nhiều anh chị hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với khách Tây rằng Văn Miếu – Quốc Tử Giám là “Temple of Literature”, tức là “ngôi đền văn chương – văn học”. Mình có tìm kiếm thông tin trên mạng, cũng thấy rằng rất nhiều tờ báo đều dịch như thế. Bạn bè của mình thì hầu như ai cũng “biết” rằng, Văn Miếu nghĩa là “ngôi đền văn chương”.

1. Văn miếu – Quốc tử giám là 2 công trình khác nhau

Văn Miếu và Quốc Tử Giám là 2 công trình được xây dựng ở 2 thời kỳ khác nhau và có nhiệm vụ khác nhau. Văn miếu là một ngôi đền thờ Khổng Tử còn Quốc tử giám là một trường đại học.

Năm 1070, dưới thời trị vị của vua Lý Thánh Tông, nhà vua cho xây Văn Miếu để thờ Khổng Tử. Ngôi miếu này chính là Văn Miếu ngày nay (tất nhiên kiến trúc đã được chỉnh sửa qua nhiều giai đoạn).

Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070]… Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhịLý Thánh Tông hiền, bốn mùa cúng tế.

Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây Quốc tử giám, liền kề với Văn miếu, để dạy học cho quan lại, thành viên hoàng tộc. Ngôi trường này cũng chính là Quốc Tử Giám ngày nay ở Hà Nội. Quốc Tử Giám cũng được biết đến như là “trường đại học đầu tiên của Việt Nam”

Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 1 [1076] … Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám

Ngày nay, khi thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Hà Nội, chúng ta dễ bắt gặp một bức tường ngăn cách cụm di tích thành 2 khu vực. Khu vực thờ cúng ở phía trước là Văn Miếu, và khu vực sân rộng phía sau là Quốc Tử Giám.

2. Nguồn gốc tên gọi Văn miếu

Khổng Tử là người mở đầu của Nho Giáo -triết lý trị quốc của tất cả triều đại các nước đồng văn Đông Á. Các triều đại Trung Quốc đều truy phong tước Văn Tuyên Vương cho Khổng Tử. Lần truy phong còn ảnh hưởng đến bây giờ là thời Thuận Trị (Trung Quốc), vua nhà Thanh phong ông là “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Thánh Sư”. Chính vì thế, miếu thờ của ông thường được gọi là Văn Tuyên Vương miếu, gọi gọn lại là Văn miếu. Ngoài ra, Khổng Tử được ca tụng là Văn Thánh nên Văn Miếu cũng có thể được gọi là Văn Thánh Miếu.

Ảnh vẽ Khổng Tử

Như vậy, cách dịch Văn Miếu là “Temple of Literature” là không chính xác, chính xác Văn Miếu nên dịch là “Temple of Confucius” – đền thờ Khổng Tử.

3. Đền thờ Khổng Tử ở các nước Đông Á

Các quốc gia Đông Á gồm Trung Quốc – Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn – Triều đều chịu ảnh hưởng sâu rộng từ Nho giáo, nên việc thờ phụng Khổng Tử được thực hiện rất trang nghiêm, chu đáo với những lễ nghi long trọng.

Ở Trung Quốc, quê hương của Khổng Tử, đền thờ ông được xây dựng ở khắp nơi, nhưng lâu đời nhất là ngôi đền được dựng trên nền nhà cũ của ông tại Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông. Ngôi đền này đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1994.

Đền thờ Khổng Tử ở Khúc Phụ – Sơn Đông – Trung Quốc

Nếu ai đã xem phim “Chuyện Tình Ở Sungkyunkwan” hay nghe tên trường đại học Sungkyunkwan, đều biết đây là ngôi trường đại học đầu tiên của Hàn Quốc. Nhưng ở đây cũng là một nơi thờ Khổng Tử quan trọng nhất của Hàn Quốc thời phong kiến. (Sungkyunkwan là một từ chữ Hán, nghĩa là Thành Quân Quán)

Một công trình trong Thành Quân Quán (Sungkyunkwan) – Hàn Quốc

Ở Nhật Bản, cũng có những ngôi đền thờ Khổng Tử, đẹp nhất là “Đa Cửu Thánh Miếu” – Taku Seibyo

Đa Cửu Thánh Miếu – Taku Seibyo tại Nhật Bản

4. Những Văn miếu khác ở nước ta

Văn Miếu được xây dựng trên khắp cả nước, để tôn vinh đạo Nho, khuyến khích sự học. Từ cấp Quốc gia, đế cấp tỉnh, huyện… đều có đền thờ Khổng Tử. Trải qua nhiều chiến tranh, đạn bom phá hủy, hiện nay còn một vài di tích Văn miếu khác ngoài Hà Nội.

Văn Miếu Mao Điền, nay thuộc Cẩm Giàng – Hải Dương, được xây dựng, phát triển từ thế kỷ 15. Đây là nơi thờ Khổng Tử, tổ chức các kỳ thi Hương. Đây cũng là triều đình tổ chức dạy học, được coi là trường công lập lớn thứ hai chỉ sau Quốc Tử Giám thời bấy giờ.

Văn Miếu Mao Điền

Văn Miếu Xích Đằng, được xây dựng vào thế kỷ 18, tại Phố Hiến, nay thuộc Hưng Yên. Ngôi miếu thờ Khổng Tử và Chu Văn An, cũng Là nơi tổ chức các kỳ thi Hương.

Văn Miếu Xích Đằng

Văn Miếu – Huế, là một Văn Miếu tầm cỡ Quốc gia. Năm 1802 Gia Long lên ngôi hoàng đế, đóng đô tại Phú Xuân – Huế, năm 1808, ông cho xây dựng Văn Thánh Miếu tại Huế,từ đây mọi việc tế lễ Khổng Tử lớn nhất được tổ chức tại Huế, bia tiến sỹ cũng được đặt tại đây. Văn Miếu – Huế Hiện nay, do trải qua chiến tranh, Văn Miếu – Huế đã bị tàn phá nặng nề, chỉ còn một vài dấu tích.

Văn Thánh Miếu – Huế

Miền Nam cũng có nhiều Văn Miếu, như Văn Miếu Vĩnh Long, được xây dựng năm 1859.

Văn Miếu Vĩnh Long

 Ngoài ra còn rất nhiều các di tích Văn Miếu khác, còn tồn tại đến ngày nay hoặc chỉ còn là nền móng.

5. Lời kết

Qua bài viết hôm nay, mình rất mong muốn cung cấp cho các bạn định nghĩa chính xác về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, để chúng ta không bị nhầm lẫn khi giải thích cho bạn bè, người thân, du khách nước ngoài.

Hiểu về Văn Miếu, sẽ là sự mở đầu cho sự hiểu về văn hóa Việt Nam ta thời kỳ phong kiến. Văn Miếu còn hiện hữu ngay đây để minh chứng cho biết bao tầng văn hóa đã, đang và sẽ được tìm hiểu. Mình tin rằng sẽ không lãng phí đâu, nếu đến thăm Văn Miếu và sẽ thật tuyệt vời nếu đi cùng với một người bạn giải thích cho ta rằng “Văn Miếu” đâu phải là “ngôi đền văn học”.

Cám ơn các bạn đã đọc đến đây, cuối cùng, mình xin gửi đến các bạn một số hình ảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám của Hà Nội mà mình sưu tầm được. Chúc các bạn có một tuần làm việc mới thật hiệu quả.

Thân ái chào tạm biệt!

TTDN_27/11/2022

Khuê Văn Các những năm 1920
Cổng Văn Miếu (Văn Miếu Môn) trên tem
Toàn cảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám những năm đầu thế kỳ 20
Tượng thờ Khổng Tử tại Văn Miếu Hà Nội, đằng sau là thần chủ đề ” Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.