Trước khi bắt đầu vào chủ đề hôm nay, mình muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện. Câu chuyện về sự thành lập của một triều đại huy hoàng bậc nhất lịch sử phong kiến nước ta: triều đại Lê Sơ.
Chyện bắt đầu từ khi Hồ Quý Ly phế nhà Trần năm 1400. Năm 1407 thì thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, nhà Hồ cũng mất mà nước Đại Việt ta cũng không còn. Đất nước rơi vào cảnh nô lệ lầm than. Hai mươi năm quân Ngô tàn bạo, tham lam vơ vét, vắt kiệt máu dân ta, khổ không kể xiết:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế,
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm.
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bắt hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.………
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Trích: Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần dân chịu được?
Những lời thống thiết trong Bình Ngô Đại Cáo cũng đủ để thấy 20 năm bị giặc phương Bắc đô hộ, dân tộc ta đã chịu nhiều khổ cực như thế nào. Có thể nói đây là giai đoạn thử lửa cho nền độc lập của đất nước ta. Biết bao cuộc khởi nghĩa đã nổi lên, có một thời cao trào là cuộc nổi dậy của hai tông thất nhà Trần là Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng (tức Giản Định đế và Trùng Quang đế, tục gọi giai đoạn này là nhà “Hậu Trần”) chút nữa đã lấy lại được độc lập, nhưng rồi lại bị vùi dập tàn bạo trong biển máu. Có lẽ mệnh trời chưa muốn tuyệt hậu dân nước Việt, nhưng vẫn đang chưa tìm được một đấng “minh quân”.
Bấy giờ ở vùng Thanh Hoá, có một người hào trưởng tên là Lê Lợi, 3 đời uy trấn đất Lam Sơn. Năm Mậu Tuất (1418), mùa xuân, tháng giêng, khởi binh chống quân Minh. Trải qua muôn vàn khó khan gian khổ, nhiều khi phải giết chiến mã nuôi quân, lại có khi may nhờ trung thần Lê Lai đóng giả nhà vua để quân giặc truy kích mới thoát được kiếp nạn. Đến khi lấy được Đông Quan (Hà Nội), cửa “Hàm Tử bắt sống Toa Đô, sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”, dựng lại cơ đồ, lên ngôi Hoàng Đế, mở ra triều đại Lê Sơ (1427 – 1528).
Thực ra nếu nói về triều Lê thì có 2 cách gọi như sau:
Cách thứ nhất: chỉ gọi triều Hậu Lê (để phân biệt với triều Tiền Lê của Lê Hoàn), kéo dài từ khi Lê Thái Tổ (Lê Lợi) lên ngôi năm 1427 đến khi Lê Chiêu Thống – Lê Mẫn Đế bỏ cố quốc mà chạy sang đất Thanh năm 1789, kéo dài gần 4 thế kỷ (gián đoạn một chút từ năm 1528 – 1533).
Cách thứ hai : phân rõ thành hai triều đại Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Tuy 2 triều đại này Thiên Tử đều mang họ Lê, nhưng giai đoạn từ thời Lê Trang Tông đến Lê Chiêu Thống từ năm 1533 – 1789 vua Lê chỉ làm bù nhìn, quyền lực thực tế ở chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (Đàng Trong), nên triều đại Hậu Lê cũng có thể phân rõ thành 2 triều đại rất tường minh:
- Triều Lê Sơ (1428 – 1527): thời kỳ vua Lê nắm toàn bộ quyền lực trong tay.
- Triều Lê Trung Hưng (1533 – 1789): thời kỳ vua Lê chỉ làm bù nhìn, quyền lực nằm trong tay các chúa Trịnh – Nguyễn.
Trong phạm vi bài viết này, mình sử dụng cách thứ 2 nhé. Coi nhà Lê Sơ và Lê Trung Hưng là hai triều đại riêng biệt. Vì theo mình, 2 triều đại này bị đứt gẫy về mặt thời gian, và quan trọng nhất là khác biệt hoàn toàn về tính chất, vai trò của người đứng đầu Hoàng Triều. Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm cá nhân thôi, và thi thoảng mình vẫn gộp 2 triều đại này thành triều Hậu Lê để gọi như chỉ một khoảng thời gian, hay thống kê thời gian tồn tại của các triều đại phong kiến chẳng hạn…
Vậy là mình đã nói sơ qua với các bạn sự hình thành của triều đại Lê Sơ do Founder, chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc tập đoàn Đại Việt – Lê, Lê Lợi sáng lập. Về sự huy hoàng của triều Lê Sơ, có lẽ đây sẽ là nội dung của một bài viết chính sử, tìm hiểu về nhiều mặt như văn hoá, kinh tế, chính trị, chính sách của cả một thế kỷ, nên không nằm trong series “Lịch Sử Lung Tung” của mình :D. Nhưng để các bạn dễ hình dung, mình xin kể qua 2 câu chuyện sau:
- Nhà Lê bị Mạc Đăng Dung bắt sang nhượng toàn bộ cổ phần năm 1527, nhưng nhờ lá cờ “Phù Lê” của Nguyễn Kim (là một đại thần của nhà Lê Sơ, lập vua Lê Trang Tông lên ngôi vua để chống nhà Mạc, tạo ra thời kỳ Nam – Bắc triều) mà toàn bộ cổ phần ấy lại được đòi về cho nhà Lê (mỗi tội người giữ mật khẩu tài khoản giao dịch lại là họ Trịnh). Rồi mấy trăm năm sau, ông nào cũng vỗ ngực là “Phù Lê” để chính danh cho hành động của mình. Họ Trịnh thì “Phù Lê” nhưng tự do phế lập, tước hết thực quyền thiên tử, tự mình cai trị Đàng Ngoài (dễ hình dung thì lãnh thổ khoảng từ Nghệ An – Hà Tĩnh đến Cao Bằng ngày nay). Họ Nguyễn ở Đàng Trong (từ sau Hà Tĩnh trở vào trong Nam) cũng hô inh ỏi khẩu hiệu “Phù Lê” để hiên ngang chống họ Trịnh, tự lập vương quốc riêng. Đến khi nhà Tây Sơn cũng gióng trống mở cờ, “Phù Lê” tiêu diệt cả chúa Nguyễn, đến chúa Trịnh. Điều mình muốn nói ở đây là nhà Lê phải có sức ảnh hưởng đến tiềm thức của dân ta như thế nào mà chỉ cần giương cờ thêu hai chữ “Phù Lê” lên là y như rằng dân theo ầm ầm.
- Nhà Nguyễn thành lập năm 1802, thế mà đến tận năm 1832 vẫn có cuộc nổi dậy của Lê Duy Lương (là con cháu nhà Lê) . Duy Lương chết năm 1833, nhưng đến năm 1836 những người cũ trốn chạy được lại lập Lê Duy Hiển lên để tiếp tục cuộc nổi dậy, đến năm 1838 mới được dẹp yên. Và đương nhiên, 2 giai đoạn của cuộc nổi dậy này đều lấy slogan là “Phù Lê” 😀 :D. (chắc hôm nào mình phải viết một kỳ mang tên: Solgan kêu nhất lịch sử cũng nên).
Qua đây có thể hình dung được phần nào sức ảnh hưởng của nhà Lê trong lòng dân ta mà đặc biệt là dân Bắc Hà rất sâu sắc. Triều đại phải có những ảnh hưởng lớn như thế nào mới in dấu trong lòng dân như vậy phải không các bạn!
Như thế là quá dài cho đoạn mở bài rồi. Vì như mình nói, tóm tắt cả một giai đoạn trong một hai dòng thì quá là khó. Nên cám ơn các bạn đã đọc đến đây nhé!
Quay lại với chủ đề triều đại có nhiều vua bị giết hại nhất lịch sử Việt Nam hôm nay, chắc chắn, chính là triều đại Lê Sơ các bạn ạ. Vậy nhiều như thế nào, mình và các bạn cùng tìm hiểu nhé!
Mình xin định nghĩa chữ sát hại ở đây là mình muốn nói đến việc nhà vua bị giết nhé các bạn (có thể bị giết khi còn tại vị hoặc bị phế truất rồi bức tử).
Điểm qua một chút về các vị vua triều đại Lê Sơ. Tổng cộng nhà Lê Sơ có 14 vị vua (tính cả được công nhận và không được công nhận, được truy tôn miếu hiệu và không được truy tôn). Gồm:
1. Lê Thái Tổ – Lê Lợi.
Như mình đã giới thiệu ở trên, là khai quốc Hoàng Đế của triều Lê Sơ. Ở ngôi từ năm 1428 – 1433 Thọ 51 tuổi. Già yếu mà chết.
2. Lê Thái Tông – Lê Nguyên Long.
Ông là con thứ 2 của vua Lê Thái Tổ. Ông lên ngôi khi mới chưa đến 2 tuổi, ở ngôi từ 1433 đến 1442, thọ 20 tuổi. Theo sử ghi lại thì ông bị Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ của Nguyễn Trãi sát hại trong vụ án nổi tiếng Lệ Chi Viên. Điều này còn gây nhiều tranh cãi, nhưng mình vẫn xin liệt kê Lê Thái Tông vào danh sách bị ám hại trong chủ đề hôm nay. Vì do còn nhiều tranh cãi nên mình xin tạm theo chính sử.
3. Lê Nhân Tông – Lê Bang Cơ.
Ông là con thứ hai của vua Lê Thái Tông. Ông lên ngôi khi mới 2 tuổi, ở ngôi từ 1442 đến 1459, thọ 19 tuổi. Ông bị anh trai là Lê Nghi Dân mưu sát, cướp ngôi.
4. Thiên Hưng Đế – Lê Nghi Dân.
Ông là con cả của vua Lê Thái Tông, ở ngôi gần 8 tháng, từ 10/1459 đến 6/1460, thọ 22 tuổi. Ông là con trưởng của vua Lê Thái Tông, từng được lập làm Hoàng Thái Tử. Nhưng do mẹ bị thất sủng, nên Thái Tông phế ngôi Thái Tử của ông và lập Bang Cơ (Nhân Tông) lên thay. Sau Lê Nghi Dân làm binh biến, ban đêm trèo vào cấm thành giết Nhân Tông rồi tự lập làm vua. Đến tháng 6/1460, Lê Nghi Dân bị quần thần phế xuống rồi bức tử. Ông không đươc công nhận là một vị vua chính thống, nhưng thực sự trong thời gian trị vì ngắn ngủi, ông có đầy đủ quyền lực của một vị Thiên Tử.
5. Lê Thánh Tông – Lê Tư Thành
Ông là con thứ 4 (con út) của vua Lê Thái Tông. Ở ngôi lâu nhất triều đại Lê Sơ, là vị Hoàng Đế tài ba bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông trị vì trừ năm 1460 đến năm 1497 tổng 37 năm, thọ 56 tuổi, mất khi già yếu.
6. Lê Hiến Tông – Lê Tranh
Ông là con trưởng của vua Lê Thánh Tông. Ông ở ngôi từ 1497 – 1504, thọ 44 tuổi. Do sức yếu.
7. Lê Túc Tông – Lê Thuần
Ông là con thứ 3 của vua Lê Hiến Tông. Ở ngôi từ 07/1504 đến 01/1505, vỏn vẹn 6 tháng, thọ 18 tuổi. Do bệnh trọng.
8. Uy Mục Đế – Lê Tuấn
Ông là con trai thứ 2 của Lê Hiến Tông. Ông ở ngôi từ năm 1504 đến 1509, thọ 22 tuổi. Ông bị Lê Tương Dực phế bỏ rồi bức tử. Lê Uy Mục vô đạo, tục gọi là “vua quỷ”. Do trong thời gian trị vì, Uy Mục Đế lạm sát tông tộc, giết hại gia đình của Tương Dực Đế, đến lúc Lê Tương Dực phế bỏ rồi bức tử được vua Uy Mục, còn trả thù dã man bằng cách cho xác vua Uy Mục lên miệng súng lớn, rồi cho bắn để tan nát hết hài cốt.
9. Lê Tương Dực – Lê Oanh
Ông là cháu nội vua Lê Thánh Tông. Ông ở ngôi từ năm 1509 đến 1516, thọ 22 tuổi. Ông nổi tiếng với việc cho xây Cửu Trùng Đài (hồi học cấp 3 có học về vở kịch Cửu Trung Đài đấy các bạn). Lê Tương Dực ham mê tửu sắc, bỏ bê triều chính, ham mê xây dựng… làm hao tài mệt sức cả thiên hạ, dẫn đến thiên hạ đại loạn rồi chính bản thân nhà vua của bị giết chết khi đang chạy loạn. Sử gọi ông là “vua lợn”.
10. Lê Quang Trị
Sau khi Lê Tương Dực chết, Lê Quang Trị được lập lên ngôi vào tháng 4 năm 1516. Nhưng một số quần thần lại muốn lập Lê Chiêu Tông lên làm vua. Quang Trị lên ngôi được 3 ngày, chưa kịp đặt niên hiệu, thì được rước vào Thanh Hoá, đến cuối tháng 5 năm 1516 thì nhóm ủng hộ Quang Trị yếu thế, bèn lập mưu giết Quang Trị (lúc đấy mới có 8 tuổi) rồi về hàng Lê Chiêu Tông.
11. Lê Chiêu Tông – Lê Y
Ông là chắt nội Lê Thánh Tông. Ở ngôi từ năm 1516 đến năm 1522, thọ 22 tuổi. Chiêu Tông lên ngôi khi tình hình đất nước đã rối ren tột độ, triều đình lại một tay Mạc Đăng Dung thao túng, lấn hết quyền nhà vua. Chiêu Tông không chịu nên xẩy ra xung đột với Mạc Đăng Dung, nhưng đánh không lại, để rồi bị Mạc Đăng Dung bắt sau đó thì bức tử.
12. Đại Đức Đế – Lê Bảng
Ông là cháu 5 đời của vua Lê Thái Tông, không rõ bao nhiêu tuổi. Do Lê Chiêu Tông giết công thần Trần Chân, các thủ hạ của Trần Chân nổi dậy báo thù. Họ chọn Lê Bảng lên làm vua để tiện bề công chuyện. Ông ở ngôi hão này từ tháng 9 năm 1518 đến tháng 3 năm 1519 thì bị chính bọn thủ hạ phế truất. Sử không chép về số phận của vị vua này, nhưng theo mình, không có lý gì mà ông được phép sống trong hoàn cảnh loạn lạc ấy. Nên mình xin phép được tính Lê Bảng vào danh sách hôm nay.
13. Thiên Hiến Đế – Lê Do
Ông là anh em ruột của Lê Bảng. Sau khi phế Lê Bảng thì bọn thủ hạ làm loạn chống Chiêu Tông lập Lê Do lên ngôi. Ở ngôi từ tháng 3 năm 1519 đến tháng 7 năm 1519 thì bị Mạc Đăng Dung bắt được rồi giết chết, không rõ bao nhiêu tuổi.
14. Lê Cung Hoàng – Lê Xuân
Ông là em ruột Lê Chiêu Tông. Ở ngôi từ năm 1522 đến năm 1527, thọ 21 tuổi. Đây cũng là vị vua cuối cùng của triều đại Lê Sơ. Ông được lập lên để làm lá cờ bình phong cho Mạc Đăng Dung sử dụng để đánh lại Lê Chiêu Tông. Sau khi Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung giết hại, Lê Cung Hoàng không còn giá trị gì, Từ đây Mạc Đăng Dung từng bước tiến lên, đến cuối cùng thì ai cũng biết là Mạc Đăng Dung đã cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Cung Hoàng bị ép tự tử.
Vậy là đã rõ nhé các bạn. Trong 14 vị vua triều Lê Sơ thì có đến 10 người bị sát hại hay bức tử. Nếu chúng ta không tính những vị vua bù nhìn, được lập lên để chống lại triều đình như Lê Quang Trị, Lê Bảng, Lê Do (mình vẫn tính Lê Nghi Dân, vì ông vẫn làm vua hẳn hoi, có quyền hành thực tế chứ không như 3 ông Trị – Bảng – Do kia đâu nhé) thì tỉ lệ vua bị giết trên số lượng vua vẫn rất lớn là 7/11.
Để trực quan hơn, mình có làm một số đồ thị về tỷ lệ số vua bị bức tử qua 10 triều đại từ Đinh đến Nguyễn nhé. Mình sẽ làm trong 2 trường hợp, có 3 vua Lê Quang Trị – Lê Bảng – Lê Do và trường hợp không có 3 ông vua này nhé các bạn. Các bạn cùng tham khảo:
TH1: Tính cả các vua Lê Quang Trị, Lê Bảng, Lê Do.
Màu cam là số lượng vua bị giết hại, bức tử. Như vậy, triều Lê Sơ dẫn đầu với 10/14 vua bị giết
Ta có thể thấy, tính theo tỉ lệ % thì nhà Lê Sơ vẫn dẫn đầu với 71% vua bị bức hại.
TH2. Lê Sơ không tính Quang Trị – Lê Bảng – Lê Do
Màu cam là số lượng vua bị giết hại, bức tử. Như vậy, triều Lê Sơ dẫn đầu với 7/11 vua bị giết
Trường hợp này, theo tỉ lệ % thì nhà Lê Sơ vẫn dẫn đầu với 63% số lượng vua bị bức tử.
Trong cả 2 trường hợp, về cả số lượng lẫn tỉ lệ % đều nghiêng hết về triều Lê Sơ. Với nhà Lê Trung Hưng, tuy quyền lực không nằm trong tay nhà vua, lại thường xuyên xẩy ra phế lập nhưng vua sau khi bị phế thường vẫn được tôn làm Thái Thượng Hoàng, bị giam lỏng, nhưng vẫn không bị giết hại. Nhà Đinh chỉ có 2 vua, Định Tiên Hoàng là bị ám hại, con ông là vua Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn, nhưng cũng không bị sát hại…
Tóm lại không triều đại nào có số lượng và tỷ lệ vua bị bức hại nhiều bằng triều đại Lê Sơ!
Triều Đại Lê Sơ đã để lại dấu ấn hết sức sâu đậm trong lòng người dân nước Việt, với những vị vua anh minh đầu triều, từ Thái Tổ, Thái Tông, đến thời kỳ đỉnh cao của triều đại và của cả lịch sử phong kiến nước ta là thời vua Lê Thánh Tông. Một triều đại võ công hiển hách, đánh đuổi quân Minh xâm lược, làm suy yếu Chiêm Thành – dứt hẳn mối lo phía Nam. Một triều đại thúc đẩy văn học, văn bia Quốc Tử Giám còn đến ngày nay cũng bắt đầu từ thời nhà Lê Sơ. Một triều đại đưa chế độ phong kiến nước ta đến cực thịnh mà các triều đại sau này vẫn còn học tập. Một triều đại đưa nước Việt ta trở thành quốc gia lớn mạnh bậc nhất khu vực thời bấy giờ. Một triều đại đã để lại những di sản về văn học, sử học quý giá trong đó có bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư… (có rất nhiều di sản mà triều Lê Sơ đã để lại, như mình nói ở trên, trong phạm vi nội dung này, mình khó lòng đề cập hết được). Tuy nhiên cũng có vô vàn biến cố cung đình, những thâm cung bí sử, mưu tính quyền lợi, tranh giành quyền lực diễn ra trong suốt triều đại, để lại cho hậu thế quá nhiều bi kịch. Nếu đọc kỹ hơn, những vị vua bị bức tử kia tuổi đời còn rất trẻ từ 8 đến 20 – 21 – 22 tuổi. Các bạn chắc cũng như mình, làm sao tưởng tượng nổi một cậu bé 8 tuổi bị bức tử, chỉ vì vô tình là nạn nhân của trò chơi quyền lực. Nếu những minh quân như Thái Tông, Nhân Tông không chết ở độ tuổi 20 – 21 thì sự nghiệp nhà Lê sẽ còn dài và huy hoàng đến nhường nào. Những điều ấy để lại cho mình những cảm xúc hết sức bi thương và tiếc nuối. Nhưng thôi, lịch sử đã qua đi và mãi chẳng bao giờ trở lại, những trò chơi vương quyền, những toan tính lợi ích đã mãi chìm sâu dưới biết bao tầng bụi của thời gian. Chúng ta, những người hậu thế cũng chỉ còn biết qua vài trang sách.
Có lẽ nội dung cũng đã quá dài cho một bài viết “lung tung”. Cám ơn các bạn đã theo dõi đến tận đây. Mình cũng xin nhắc lại, bài viết này không nhằm mục đích đánh giá hay phê phán bất cứ điều gì, mà chỉ mang đến một góc nhìn khác về những ông vua, những triều đại trong lịch sử, để chúng ta có thêm những cái nhìn khác lạ khi đọc Sử và phần nào giúp chúng ta thêm yêu Sử.
Mình cũng xin phép được lấy ảnh của “Sương Khói Đông Kinh” để chú thích cho bài viết của mình. Thực sự các bạn vẽ quá đẹp!
Mình cũng xin phép dùng kính ngữ “thọ” để chỉ số năm mà các vua triều Lê Sơ sống trên thế gian này.
Thôi, mình xin dừng bút ở đây, chúc các bạn có một tuần mới làm việc đầy hiệu quả.
Thân ái chào tạm biệt
TTDN 06/11/2022