Trước khi đi vào chủ đề chính, mình và anh em cùng nhìn lướt lại thật nhanh về cuộc đời – sự nghiệp của Trần Hưng Đạo nhé.
Đầu tiên là về thân thế của Hưng Đạo Đại Vương:
Trần Hưng Đạo (1231 – 1300), quê gốc Thái Bình hoặc Nam Định (cái này tùy người đánh giá), tên thật Trần Quốc Tuấn, là dòng dõi hoàng tộc nhà Trần, khi có ông chú ruột là khai quốc hoàng đế Trần Thái Tông (Trần Cảnh), ông bô là An Sinh Vương (Trần Liễu) vì có chút mâu thuẫn chuyện tình cảm với nhà vua nên thành ra vị thế trên chính trường không được cao (mâu thuẫn tình cảm này là một chủ đề khá ly kỳ, mình sẽ gửi đến anh em trong các kỳ tiếp theo nhé, hay lắm đấy!). Chính vì thế ông được / bị ông bô – với mong mỏi khôi phục danh thế – cho học rất kỹ càng, trở thành một người có vốn học thâm sâu, dần dần dấn thân chốn quan trường, từng bước trở thành chiến sỹ thi đua, cá nhân xuất sắc tiêu biểu dưới thời Trần cũng như một trong những nhân vật vĩ đại nhất lịch sử ngàn năm của dân tộc ta.
Trần Quốc Tuấn hay được gọi là Trần Hưng Đạo vì ông được phong tước Hưng Đạo Vương, sau thăng lên thành Hưng Đạo Đại Vương. Dân ta cũng kỵ húy tên ngài nên kính gọi là Trần Hưng Đạo hoặc nếu gọi cả tên húy ra thì sẽ kèm với tước hiệu: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. ( anh em có thắc mắc vương, đại vương tưởng là vua rồi sao lại phong được thoải mái thế không :D, xin được gửi đến anh em nội dung này trong một chủ đề khác nhé, mình viết lung tung nên không biết là kỳ bao nhiêu đâu, nhưng chắc chắn có).
Về binh nghiệp:
Trần Hưng Đạo là một vị tướng lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cũng như trong lịch sử Thế giới. Với chiến tích 2 lần là người tổng chi huy mọi lực lượng vũ trang trong cả nước (quốc công tiết chế) trong chiến dịch kháng chống quân xâm lược Nguyên Mông: kháng chiến lần 2 từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1285 và kháng chiến lần 3 từ tháng 12 năm 1287 đến tháng 4 năm 1288 với đỉnh cao là trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng còn vang vọng đến này nay.
Để nói sơ qua một chút về đế chế Mông Cổ. Đế chế này khởi nguồn là những bộ lạc du mục trên thảo nguyên Mông Cổ (toàn cỏ là cỏ, toàn ngựa là ngựa), như kiểu đội lang thang cưỡi ngựa chạy lung tung. Nhưng đến một giai đoạn họ tập hợp cùng nhau, rồi cùng nhau cưỡi ngựa xong đi phượt khắp nơi cùng nhau, với món sở trường cưỡi ngựa bắn cung, đội kỵ binh khủng khiếp ấy cùng nhau đi đến những vùng miền lạ lẫm, cùng nhau tàn sát dân bản địa, cùng nhau đô hộ các nước bấy giờ, cùng nhau làm bá chủ Thế giới. Đỉnh điểm vào thời kỳ hoàng kim, Mông Cổ là đế chế có diện tích lãnh thổ liền nhau lớn nhất từ xưa đến nay. Mông Cổ thôn tính Kim, Hạ, Đại Lý (đất nước mà có Đoàn Dự, Đoàn Diên Khánh, Đoàn Chính Thuần đấy anh em :D), Cao Ly (Triều Tiên + Hàn Quốc), Nga, Trung Á, một phần Đông Âu và đỉnh cao là khai tử “Thiên Triều” – nhà Tống năm 1279…Tham khảo hình ảnh sau đây cho trực quan ae nhé:
Năm 1279 sau khi nuốt được nhà Tống , Mông Cổ coi như đã phình to hết cỡ. Đến năm 1285, ổn định Trung Quốc được 5, 6 năm, binh lính được nghỉ ngơi, quân lương được thu nạp, binh khí được tạo mới, đường đi thuận tiện – thông thoáng, thì lúc sang đánh nước ta năm 1285 thì anh em tưởng tượng quân Nguyên khỏe khoắn như thế nào.
Nói thế để thấy rằng chiến tích của Trần Hưng Đạo vĩ đại và vi diệu đến đâu.
Nếu coi cuộc chiến chống Nguyên Mông là một giải vô địch bóng đá thế giới, thì coi như huấn luyện viên trưởng Trần Hưng Đạo đã dẫn dắt đội tuyển Đại Việt vô địch 2 lần liền 😀 😀 :D.
Sự nghiệp chính trị:
Từ bé thì cụ được phong là Hưng Đạo Vương, mãi mãi đến năm 1289 ( lúc này cụ đã 58 tuổi) sau khi đánh xong giặc Nguyên lần 3 thì mới được gia phong thêm thành Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. (Vương là tước nhỏ hơn Đại Vương nhé anh em).
Kỷ Sửu, Trùng Hưng năm thứ 5 [1289], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 26)….Tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương
Ghi chép về việc tiến phong Hưng Đạo Vương thành Hưng Đạo Đại Vương
Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Cụ được vua Trần cử giữ chức Quốc Công Tiết Chế tổng chỉ huy lực lượng vũ trang Đại Việt chống quân Nguyên
Quý Mùi, [ Thiệu Bảo] năm thứ 5 [1283]… tiến phong Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc, sai chọn các quân hiệu có tài chỉ huy, chia đi nắm giữ các đơn vị.
Ghi chép về việc tiến phong Hưng Vương thành Quốc Công Tiết Chế
Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Ảnh hưởng văn hóa:
Về ảnh hưởng văn hóa thì quá rõ rồi, Trần Triều hiển thánh Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, hầu như được thờ phụng, dựng tượng đài, đặt tên đường ở khắp mọi nơi trên đất nước này. Tết đến xuân về người ta vẫn thường đến đền Trần tại Nam Định hoặc Thái Bình xin ấn đề chữ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương hoặc tương tự. Trên bùa trấn yểm gia trạch trên bàn thờ, mình cũng thấy đề tên cụ. Đạo thờ Trần Triều, mà thần chủ là cụ, cùng các bậc hiển thánh khác như ông Tả Yết Kiêu, ông Hữu Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão…(cũng có những nghi lễ hầu đồng (tương tự đạo mẫu) với những nghi thức đặc biệt như “xiên lình” (lấy que nhọn đâm từ má bên này sang bên kia), lấy dấu mặn (đập bát, lấy mảnh sàng rạch lưỡi, sau ngậm rượu cho máu tan trong miệng, rồi phun vào giấy làm bùa trừ tà ma, trị bệnh)….
Tóm lại: Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn là một vị tướng lỗi lạc, một bậc kỳ tài quân sự, một tượng đài vĩnh cửu trong lòng mỗi người dân Việt Nam với những chiến tích quân sự chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc huy hoàng. Nhưng cũng được biết đến như một trung thần bậc nhất, suốt đời tận tụy giúp vua, giúp nước, không bao giờ có tư lợi cá nhân, âm mưu soán đoạt. Là một chính trị gia có tầm nhìn với triết lý trị nước: “khoan thư sức dân để lấy kế sâu rễ bền gốc” ngàn năm nay vẫn còn tính thời sự. Là một người văn võ song toàn, là một cột mốc vàng đánh dấu rạch ròi chủ quyền nước Việt. Mãi mãi không bao giờ phai nhạt tên tuổi dù dòng chảy thời gian có bất tận đến nhường nào.
Vĩ đại là thế 😀 nhưng thời còn trẻ, cụ cũng dính một scandal trấn động triều đình nhưng cũng thể hiện rõ cá tính mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước thời cuộc, sáng tạo đến bất ngờ và bất chấp cả tính mạng cho những gì cụ yêu quý. Như chính cái cách sau này cụ đánh bại quân Nguyên vậy. Đó chính là cướp dâu 😀
Bây giờ ta cùng vào chủ đề chính của kỳ này: Tuổi trẻ hết mình vì tinh yêu của Trần Hưng Đạo!
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
Tân Hợi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 20 [1251] (Từ tháng 2 về sau là Nguyên Phong năm
thứ 1, Tống Thuần Hựu năm thứ 11, Nguyên Hiến Tông Mông Kha năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 1, đổi nguyên hiệu là Nguyên Phong (năm thứ 1).Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh
Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn.
Chuẩn nhá không sai đâu. Quốc Tuấn thì có thể nhần Tuấn này với Tuấn kia, nhưng Quốc Tuấn con trai Yên Sinh vương thì chỉ có thể là Trần Quốc Tuấn – Trần Hưng Đạo.
Tiếp:
Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc1 và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành là lễ kết tóc với Trung Thành Vương.
Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.
Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời:
“Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu”
Vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện.
Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng: ” Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật”.
Vua bắt đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên2 để hoàn lại sính vật cho Trung Thành Vương
Về chuyện này, thời Nguyễn (1802-1945) các sử gia cũng xác nhận lại một lần nữa trong “Khâm định việt sử thông giám cương mục” như sau:
Tân Hợi, năm Nguyên Phong thứ 1 (1251)
Đem Thiên Thành công chúa gả cho Trung Thành vương. Sau công chúa lại về với
Trích Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục
Quốc Tuấn.
Đã hứa gả công chúa cho Trung Thành vương, định đến ngày rằm tháng này (tức tháng 2) làm lễ “hợp kết”, nhà vua nhân việc này mở hội bảy ngày đêm, bày các đồ quý báu và nhiều trò chơi vui để cho trong triều đình, ngoài dân gian được chơi xem. Trước ngày cưới, nhà vua cho công chúa sang ở nhà của Nhân Đạo vương; đương đêm, Quốc Tuấn lẻn vào tư thông với công chúa. Thụy Bà biết tin, liền gọi cửa cáo cấp; nhà vua hỏi, Thụy Bà nói rằng: “Không ngờ Quốc Tuấn là người càn dỡ, đương đêm lẻn vào chỗ ở của Thiên Thành công chúa, nên Nhân Đạo vương đã bắt được giữ lại rồi”. Nhà vua sai ngay người hầu cận đến nhà tư Nhân Đạo vương, thì không nghe được tin tức gì cả; họ liền vào chỗ công chúa ở, thì thấy Quốc Tuấn ở đấy. Lúc bấy giờ Nhân Đạo vương mới biết chuyện ấy. Đến ngày hôm sau, Thụy Bà dâng mười mâm vàng sống và nói rằng: “Vội vàng không kịp sửa lễ”. Nhà vua bất đắc dĩ đem Thiên Thành công chúa gả cho Quốc Tuấn, rồi cho Trung Thành vương hai ngàn khoảnh (?) ruộng
Từ đầu đến cuối câu chuyện, chúng ta thấy có 2 điểm khả nghi:
Một là không có phản ứng nào đến từ Thiên Thành công chúa. Có lẽ nào 2 bạn trẻ đã có tình cảm ngầm với nhau từ trước, vì là công chúa nên buộc Thiên Thành phải nghe theo sự xếp đặt của nhà vua. Nên khi Quốc Tuấn xông vào phòng lúc ban đêm, cũng không có phản ứng gì hết, mặc gió đẩy thuyền, hoặc là lên thuyền luôn với Quốc Tuấn, thành đồng phạm rồi cũng nên 😀
Hai là mẹ nuôi của Quốc Tuấn, là công chúa Thụy Bà. Quốc Tuấn lẻn vào phòng Thiên Thành, đến chủ nhà là Nhân Đạo Vương còn không biết thì làm sao Thụy Bà biết? Với cả đùng phát lôi ngay được ra 10 mâm vàng để làm sính lễ. Nghe có một thuyết âm mưu ở đây.
Cơ hồ mình đoán không loại trừ khả năng 3 người: Công chúa Thụy Bà, Trần Quốc Tuấn, Thiên Thành công chúa đã cùng nhau lên trước kế hoạch “chuyện đã rồi” này. Đây chỉ là một giả thuyết của riêng mình thôi anh em nhé 😀
Sau này, trải qua gian nan vất vả, đỉnh cao là những cuộc chiến tranh chống quân Nguyên – Mông. Quốc Tuấn – Thiên Thành, sau này là Hưng Đạo Đại Vương – Nguyên Từ Quốc Mẫu cùng những người con xuất chúng như Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Nghiễn và những môn khách như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… đã cùng bên nhau, kề vai sát cánh, người chiến tuyến, người hậu phương tạo nên những chiến tích anh hùng.
Một thông tin thú vị khác nữa, với nội dung câu chuyện y hệt như của Trần Hưng Đạo và Nguyên Từ Quốc Mẫu. Đến đời con trai của họ là Hưng Vũ Vương – Trần Quốc Nghiễn, đã đính hôn với công chúa Thiên Thụy rồi, nhưng lại bị hẫng tay trên bởi Nhân Huệ Vương – Trần Khánh Dư. Âu cũng là một sự trùng hợp thú vị trong lịch sử (Về câu chuyện của Trần Khánh Dư, cũng là một danh tướng, nhưng cũng có nhưng câu chuyện thú vị của ngài, nếu được, mình xin gửi đến anh em ở một kỳ gần nhất nhé)
Thôi nội dung cũng khá dài rồi. Để viết về một nhân vật lẫy lừng như Hưng Đạo Đại Vương quả là vài trang giấy không thể nào kể hết được. Có rất nhiều câu chuyện oai hùng về ngài mà không biết bao nhiêu nhà sử học, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu đã kể cho chúng ta. Nhưng mình cũng xin đưa ra một câu chuyện nhỏ thật nhỏ này để anh em hiểu hơn về Hưng Đại Đại Vương, để biết rằng những người vĩ đại thì làm việc gì cũng không theo lệ thông thường 😀
Một thông tin nữa mình cũng muốn gửi đến anh em, do thời lượng quá ngắn, không đi sâu được, nhưng những cuộc hôn nhân của quý tộc nhà Trần thường là hôn nhân cận huyết. Như Hưng Đạo Vương và Thiên Thành công chúa cũng vậy. Anh em có thể tự tìm hiểu nhé.
Thông tin cuối cùng. Trong sách sử các sử quan hay dùng những từ “thông dâm”, “tư thông” thì anh em cũng hiểu rằng đây là một từ hay được sử quan sử dụng để nói về các trường hợp “không được phép” hay “cố ý gây thương tích” 😀 :D, nghe có vẻ nặng nề, nhưng thực ra anh em không nên quá để ý về ngôn từ mà hãy hiểu về ý nghĩa nhé 😀
Thôi mệt quá rồi. Câu chuyện nhỏ nhặt về thời trẻ của Hưng Đạo Đại Vương mình vừa kể, hi vọng giúp anh em có thêm một chút thông tin hay ho, thú vị mà ít thầy cô hay sử gia nào nhắc đến. Đó, anh em xem, lịch sử thật muôn màu chứ đâu có khô khan! Cám ơn anh em đã đọc đến đây, chúc anh em thật nhiều sức khỏe và luôn giành những tình cảm nồng nàn nhất đến lịch sử nhé!
Thân ái chào tạm biệt và hẹn gặp lại,
Xin phép “Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi” và “Dee Dee Animation Studio” được sử dụng ảnh của các bạn với mục đích quảng bá lịch sử nước nhà nhé 😀
TTDN_30-10-2022
quá bá bác ơi