Yêu nhau thì rào dậu cho kín! Hộ gia đình đã như vậy, huống chi một Quốc gia. Vấn đề biên giới từ xưa đến nay luôn là vấn đề tồn vong của dân tộc.
Nước Việt Nam đầu thời Lý, gốc rễ quốc gia được củng cố, đang bước vào thời kỳ hưng quốc an bang nhưng cũng không đủ sức như Liêu-Hạ để lấn đất nhà Tống, “thiên triều” tuy còn thèm thuồng nhưng cũng không thể nào đánh chiếm được nước ta. Hai nước cần một sự ổn định để tiếp tục những kế hoạch riêng. Nhà Tống tập trung giải quyết hai nước Liêu-Hạ, Đại Việt mở rộng ảnh hướng đến Chiêm Thành, Ai Lao… Việc phân định biên giới như một sứ mệnh của lịch sử của cả 2 nước.
Nhưng việc phân định biên giới diễn ra rất dài hơi và không hề “cơm dẻo canh ngọt”, với đỉnh điểm là việc dẫn quân của Lý Thường Kiệt và đất Tống (Năm 1075) và Quách Quỳ dẫn quân Tống đến tận sông Như Nguyệt (Năm 1077)
Trong series “Đòi lại Quảng Nguyên”, tôi xin gửi đến bạn đọc những câu chuyện liên quan đến việc phân định biên giới Việt – Tống dưới thời Lý. Sở dĩ đặt tên là “Đòi lại Quảng Nguyên” vì vùng đất Quảng Nguyên là vùng đất tranh chấp quan trọng bậc nhất (với trữ lượng vàng rất lớn) mà nước ta dành được trong giai đoạn phân định biên giới này (tất nhiên đến năm 2024, vùng đất này vẫn thuộc Cao Bằng-Việt Nam). Chẳng thế mà Ngụy Thái người Trung Quốc làm thơ mỉa mai nhà Tống, mà câu thơ còn truyền mãi đến này nay:
Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khước thất Quảng Nguyên kim
Nghĩa là:
Vì tham voi Giao Chỉ (Đại Việt)
Đánh mất vàng Quảng Nguyên
I.Thế nào là vùng đất Ky My
Nói đến việc phân định biên giới, nhất định phải có vùng tranh chấp.
Kẹp giữa hai nước Việt-Tống tồn tại một vùng đất rộng lớn với nhiều đơn vị gọi là “Động” hay phía chính quyền đặt tên là các “Châu”. Các Động đều do các Tù trưởng cai quản, hoạt Động như một cộng đồng tự trị riêng biệt và chịu ảnh hưởng từ cả phía Tống và Việt. Các Tù trưởng hầu như không tuyệt đối trung thành với phía Tống hay phía Việt, có thể đổi lập trường bất cứ lúc nào.
Những Động này được Triều Đình hai nước gọi và vùng đất Ky My- tức là vùng đất quản lý lỏng lẻo. Châu Quảng Nguyên là một ví dụ:
Châu Quảng Nguyên tuy do Ung Châu (Đại Tống) ràng buộc (theo kiểu ky my),nhưng kỳ thực phục dịch Giao Chỉ (Đại Việt)
Tục tư trị thông giám trường biên – Lý Đào
Chính vì sự nhập nhằng này mà biến giới hai nước Tống-Việt luôn bất ổn bởi sự quấy phá của các Tù trưởng. Đỉnh cao là cuộc nổi loạn của Tù trưởng Nùng Trí Cao, đánh chiếm thành Ung Châu (nhà Tống) năm Năm 1052
Vùng đất Ky My gồm nhiều Động như Thất Nguyên, Định Nguyên, Trệ Nguyên, Tô, Mậu, Tư Lang, Thảng Do, Quảng Nguyên, Vật Dương, Vật Ác, Lôi Hỏa… trải dải vùng biên giới phía từ Hà Giang đến Quảng Ninh Việt-Trung ngày nay.
Theo sách Đất nước Việt Nam qua các đời, giáo sư Đào Duy Anh có khảo cứu bước đầu xác định vùng địa lý tương đương ngày nay như trong hình ảnh:
Vùng biên giới bất ổn, gây đau đầu cho cả 2 quốc gia, khi mà liên tục diễn ra những cuộc nổi loạn của các Tù trưởng hết nổi loạn quân sự lúc lại đòi ly khai.
Trước thực tế đó, mỗi quốc gia cũng có những hành động với những toan tính của riêng mình.
II.Chính sách hai nước đối với các vùng Ky My
Thực tế mà nói, vùng đất Ky My có vị trí địa chiến lược rất quan trọng đối với phía Đại Việt, nó là lá chắn tự nhiên (do địa hình hiểm trở) bảo vệ Thăng Long từ xa khỏi đe dọa quân sự từ nhà Tống. Vùng đất này cũng giàu tài nguyên (như vàng bạc, chu sa…) mang lại lợi ích kinh tế lớn.
Có lẽ vì thế mà phía Đại Việt rất chủ động và quyết liệt trong việc chinh phạt những tù trưởng nổi loạn hay đòi ly khai, thậm chí mang quân sang tận đất Tống để đuổi bắt những người bỏ trốn. Ngoài ra nhà Lý cũng dùng biện pháp mềm dẻo như gả công chúa cho các tù trưởng để thắt chặt ràng buộc (như tù trưởng châu Lạng là Thân Thiệu Thái). Nhờ vậy mà tầm ảnh hưởng của Đại Việt đã vươn đến khu vực động Vật Dương, Vật Ác, Lôi Hỏa (vùng Tĩnh Tây-Quảng Tây ngày nay)
Sử sách ghi nhận các sự kiện đánh dẹp:
Năm 1033, Tháng 2 Châu Định Nguyên Châu làm phản, Tháng 2, Lý Thái Tông thân đi đánh. Ngày 17, dẹp được châu Định Nguyên.
Năm 1033, Tháng 9, châu Trệ Nguyên làm phản. Mùa đông, tháng 10, Lý Thái Tông thân đi đánh châu Trệ Nguyên, dẹp yên. Tháng 12, ngày mồng 1, đem quân về.
Năm 1039 Tháng 12, Nùng Toàn Phúc ở Châu Quảng Nguyên làm phản…, Lý Thái Tông tự làm tướng đi đánh, bắt được Toàn Phúc. Chỉ có vợ là A Nùng 妸儂, con là ( Nùng) Trí Cao 儂智高 chạy thoát.
Năm 1041 Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ Động Lôi Hỏa (nay là hương Hạ Lôi huyện Đại Tân, địa cấp thị Sùng Tả, Quảng Tây) lại về chiếm cứ Châu Thảng Do, đổi Châu ấy làm nước Đại Lịch. Lý Thái Tông sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về kinh, sau tha tội, cho giữ lại chức cũ.
Năm 1048 Nùng Trí Cao lại làm phản, chiếm giữ Động Vật Ác. Lý Thái Tông sai Thái úy Quách Thịnh Dật đi đánh, Trí Cao phải hàng
Năm 1050 Người Động Vật Dương (nay là Tĩnh Tây, Quảng Tây) làm phản, Lý Thái Tông dẹp yên.
…
Các sự kiện mang quân đòi người hoặc quấy nhiễu nhà Tống:
Năm 1034. Tháng 6, Trần Công Vĩnh (Đại Việt) cùng hơn 600 người xin nội phụ nhà Tống, Lý Thái Tông phát binh đến biên giới đuổi bắt.
Năm 1036 người Động Giáp (Lạng Sơn), Tô Mậu (Quảng Ninh), Châu Quảng Nguyên (Cao Bằng)… cướp phá Ung Châu và các vùng lân cận (Đại Tống), cướp trâu bò, ngựa, người, đốt nhà cửa rồi bỏ đi.
Năm 1060 Châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái ( phò mã nhà Lý) sang (đất Tống) đánh bắt những binh lính bỏ trốn, bắt luôn cả chỉ huy sứ ( nhà Tống) là Dương Bảo Tài và quân lính, trâu ngựa đem về.
Năm 1059 Đại Việt cướp phá Động Tư Lẫm thuộc Khâm Châu
Năm 1049 Người Quảng Nguyên cướp phá Ung Châu
Năm 1055, người Châu Tô Mậu (vùng Quảng Ninh) vào cướp phá nhà Tống
Năm 1061: Người thuộc Châu Tô Mậu (vùng Quảng Ninh) vào cướp phá Ung Châu (Đại Tống)
Một sự kiện khá “thú vị” diễn ra năm 1069 phía Đại Việt đã dằn mặt nhà Tống bằng cách mang quân đánh và bắt vua Chiêm mang về Thăng Long. Sau đó, dân biểu kể tường tận cho nhà Tống biết việc đánh dẹp. Trong biểu có đoạn:
Nước Chiêm Thành đã lâu không tới cống. Thần tự đem quân đánh, đã bắt được chúa nó về.
Về phía thái độ của nhà Tống, trước cuộc chiến Việt-Tống (1075-1077) có thể chia làm 2 giai đoạn trước và sau loạn Nùng Trí Cao (1052-1053)
Trước loạn Trí Cao, phía nhà Tống tỏ ra nhẫn nhịn, không can thiệp, tỏ ra công nhận sự bảo hộ của nhà Lý đối với các Châu-Động Ky My, thể hiện qua các sự kiện trả lại người bỏ trốn, xuống chỉ trách móc cho xong chuyện:
Năm 1034, tháng 6, bọn đất Giao Châu gồm hơn 600 người xin nội phụ… Vua nhà Tống ban chiếu mệnh bảo bọn Công Vĩnh trở về.
Năm 1036, Các quan lại ở Ung Châu tấu lên (vua Tống) là dân man các động ở Đại Việt đến cướp phá biên giới, chiếu thư trách hỏi vua Lý (Thái Tống), lại ra lệnh cho [ vua Lý] truy tìm thủ lĩnh các tù trưởng [ gây rối] để hỏi tội
…
Tuy nhiên sau loạn Trí Cao, khi vùng Ung Châu – Quế Châu – Khâm Châu được quản lý bởi Tiêu Chú sau là Thẩm Khởi – những người có ác cảm với phía Đại Việt, phía nhà Tống có nhiều hành động gây phức tạp tình hình.
Sách Trường Biên có chép lại những sự kiện:
Năm 1055…Tiêu Chú được ban chức Đô giám Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây]. Tiêu Chú chủ trương lôi kéo các Tù trưởng dân thiểu số giáp Giao Chỉ, quay sang [theo Tống]. (Điều này dẫn đến sự kiện năm 1059 Đại Việt mang quân sang quấy phá Khâm Châu)
Năm 1057, Tri Ung Châu Tiêu Chú trước định phát binh đánh dẹp, sau lại quay sang dụ dỗ chiêu hàng viên Tù trưởng Nùng Tông Đán. Cha con Tông Đán dâng đất Hỏa Động xin hàng… Nhà Tống đổi tên thành châu Thuận An.
Năm 1058, Tống Nhân Tông ban cho Tri Ung châu Tiêu Chú, từ nay không được mang quân tuần tra biên giới… Việc này [chỉ gây thêm] sinh sự [với Giao Chỉ] mà thôi.
Năm 1059, Tiêu Chú ở tại Ung Châu đã lâu, vẫn ngấm ngầm lấy lợi dụ dỗ những thủ lĩnh Man tại Quảng Nguyên [Cao Bằng], bí mật tu bổ giáp binh, rồi tâu lên Triều Đình xin đánh Đại Việt, nhưng phía nhà Tống bàn luận cho rằng Tiêu Chú sinh chuyện cho nước, không nhận định như vậy
[1064-1067] Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui minh, ban tên là Qui Hóa châu [nay là Tĩnh Tây, Quảng Tây].
1075…Kinh lược sứ Quảng Nam Tây Lộ [nhà Tống] Thẩm Khởi tâu:
Tri châu Ân Tình Nùng Thiện Mỹ cùng gia thuộc hơn 600 người qui minh đến châu Thất Nguyên. Thần khám xét về bọn Nùng Thiện Mỹ trước kia thuộc châu Thất Nguyên là nơi thôn động của tỉnh nội địa quản hạt,mấy năm trước do Giao Chỉ xâm chiếm, đổi là châu Ân Tình. Do sự đòi hỏi thuế má phục dịch phiền khổ, nên đưa người đến qui phụ, nếu không nhận, tức sẽ bị Giao Chỉ giết. Chiếu [của vua Tống] ban cho phép qui thuận, chu cấp cho người còn sống.
Tuy hai bên Tống-Việt đều có những hành động gây hấn ở vùng biên giới – vốn đã bất ổn, nhưng nhìn chung hai nước vẫn chưa muốn chơi tất tay dốc túi. Bề ngoài phía Đại Việt vẫn giữ lễ triều cống với “thiên triều”, phía Tống vẫn làm lễ sách phong Vương cho vua “chư hầu” nhà Lý.
Hai nước đều muốn giải quyết tốt đẹp vấn đề biên giới, nhưng tốt nhất là tốt đẹp cho mình. Chính vì thế mà sự nhì nhằng ở các Châu-Động vẫn tiếp tục, chưa có cơ hội nào để giải quyết dứt điểm một lần cho xong.
Như một sự sắp đặt của lịch sử. Một sự việc không liên quan gì đến những vùng đất “bé như viên đạn” (như lời của Lý Nhân Tông) lại khơi mào cho một cuộc chiến, mà vô tình nhờ đó giải quyết dứt điểm những khúc mắc ở biên giới Tống-Việt tồn đọng đã hàng trăm năm. Đó là sự kiện nhà Tống bổ nhiệm Vương An Thạch là tể tướng năm 1070.
III.Nhà Tống quyết tâm đánh Đại Việt
Vương An Thạch, một viên quan địa phương, tác giả của tấu chương vạch rõ những trì trệ của bộ máy Đại Tống, đồng thời nêu ra các giải pháp cải cách về cả kinh tế, xã hội, quân sự của nhà Tống (1058). Đến tận 10 năm sau (1068) Tống Thần Tông lên ngôi, Vương An Thạch được điều về kinh sư làm quan, rồi nhận chức tể tướng năm 1070. Các biện pháp cải cách có:
- Thanh miêu: Cho nông dân vay lúc giáp hạt (giữa hai vụ thu hoạch, thóc vụ cũ gần hết mà thóc vụ mới chưa gặt), đến khi thu hoạch thì trả lại Triều Đình kèm với một khoản lãi. Dân vừa không chết đói mà Triều Đình có thêm thu nhập.
- Mộ dịch: Bắt mọi người (từ bậc khoa bảng đến địa chủ) phải đóng tiền để được miễn lao dịch. Tiền này Triều Đình sẽ thuê những thành phần “cố nông” đi lao dịch thay. Vừa tạo công ăn việc làm cho những người bần cùng mà người dân yên tâm sản xuất.
- Nông điền thủ lợi: cổ vũ khẩn hoang, hưng tu thủy lợi.
- Thị Dịch: Triều Đình xuất tiền mua hàng lúc rẻ, bán lúc đắt; nhằm điều hòa buôn bán. Triều Đình vừa có tiền mà hàng hóa không bị lạm phát giá.
- Bảo giáp: Chủ trương quân ngũ hóa nông thôn; tăng quân, mà ít tốn kém
Những biện pháp cải cách này tuy đem lại hiệu quả nhất định nhưng lại gây ra những mâu thuẫn nghiêm trọng nội bộ nhà Tống. Dân bị nhũng nhiễu, tầng lớp trí thức nho học và quý tộc phản đối (đứng đầu có Tư Mã Quang, Tô Đông Pha, Trình Di – toàn những bậc vĩ Nho của nhà Tống).
Thường thì nội loạn, người ta sẽ hướng sự chú ý ra bên ngoài. Vương An Thạch muốn dùng binh. Trước là hướng dư luận sang tiền tuyến, sau là chứng minh hiệu quả của cải cách. Nhà Tống cân nhắc đánh Liêu, Hạ nhưng thấy khó nên tiện có những món nợ ở biên giới, nên quyết tâm đánh Giao Chỉ:
Vương An Thạch muốn làm mạnh, phía bắc muốn đánh các nước Liêu, Tây Hạ, phía nam thôn tính nước Giao Chỉ. Về nước Liêu, nước này vị trí tại phương bắc hiểm trở, quan quân thử sức, không thắng, nên đành phải tạm gác. Tây Hạ tuy yếu hơn, nhưng nằm sát nách nước Liêu, nếu bức bách quá, thì hàng Liêu, hai nước hợp binh, lại càng thêm nguy hiểm. Bởi vậy Vương An Thạch bàn đánh Giao Chỉ trước, nếu thành công sẽ dựa vào khí thế, tiến về phía tây bắc đánh nước Hạ, rồi tiêu diệt nước Liêu.
Vua Tống Thần Tông tuy còn do dự, nhưng Vương An Thạch lại một mực quyết tâm
Vua Tống Thần Tông bảo Vương An Thạch:
– Dùng binh không có lý do, không được chính danh.
An Thạch tâu:
– Bệ hạ quả muốn dùng binh, đừng lo không có lý do
Nói là làm, năm 1071, vua Tống ra lệnh xem xét đường giao thông thủy bộ từ nhà Tống sang Đại Việt để tiện việc dùng binh. Nhân việc năm 1072, Lý Thánh Tông (Đại Việt) qua đời, Lý Nhân Tông còn nhỏ lên ngôi, nội bộ chưa ổn định việc chuẩn bị càng ráo riết. Năm 1073 vua Tống mật lệnh cho Thẩm Khởi lo liệu việc giao chỉ, các công thần đều không hay biết.
Nhưng khổ nỗi nội bộ nhà Tống cũng rối như canh hẹ khi mà phe bảo thủ của Tư Mã Quang và phe tân pháp của Vương An Thạch cũng liên tục đả kích lẫn nhau. Việc dùng người của vua Tống cũng bất nhất. Riêng việc dùng Thẩm Khởi để mật lo việc Giao Chỉ thì đến năm 1074 lại bị nghị tội rồi chuyển đi nơi khác. Đây chính là cơ hội để Lý Thường Kiệt tạo nên chiến tích “tiên phát chế nhân” đánh thẳng vào Ung Châu năm 1075.
… Còn tiếp…
[…] Đòi lại Quảng Nguyên – Phần I: Những vùng đất Ky My […]
Cũng đc
[…] Đòi lại Quảng Nguyên – Phần I: Những vùng đất Ky My […]