I. Nhà Tiền Lê
Nhà Tiền Lê chỉ nhà Lê do vua Lê Đại Hành thành lập năm 980 để phân biệt với nhà Lê do vua Lê Lợi thành lập năm 1428.
Nhà Tiền Lê kế tục nhà Đinh, là một triều đại quân chủ phong kiến trong lịch sử Việt Nam, tồn tại từ khi vua Lê Đại Hành lên ngôi năm 980, kết thúc năm 1009 sau khi vua Lê Ngoại Triều băng Hà. Nhà Tiền Lê đóng đô tại vùng Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay), trải qua 3 đời vua, với hàng loạt chiến dịch quân sự nhằm dẹp các cuộc nội loạn, ngoại xâm, đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giữ gìn nền độc lập non trẻ của quốc gia Đại Cồ Việt (sau là Đại Việt), tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước sau này.
Người ghi dấu ấn cho nhà Tiền Lê chính là vị vua đầu triều: Lê Đại Hành – Lê Hoàn.
Lê Hoàn xuất thân từ quân đội nhà Đinh, được nâng đỡ bởi Nam Việt Vương – Đinh Liễn, tham gia hàng ngũ chỉ huy trong giai đoạn dẹp loạn 12 sứ quân của vua Đinh Tiên Hoàng. Nhà Đinh thành lập, ông được phong chức Thập Đạo Tướng Quân, nắm giữ binh quyền trong cả nước Đại Cồ Việt.
Sau khi Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương bị sát hại, ông phò tá ấu chúa Đinh Toàn, rồi tự mình lên làm vua sau sự kiện Thái hậu Dương Vân Nga lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, nhường ngôi hoàng đế. Dưới danh nghĩa Thiên Tử, ông lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt đánh tan quân Tống xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 981.
Năm 1005 vua Lê Đại Hành băng hà, Thái Tử Long Việt cùng Đông Thành Vương Trung Quốc Vương tranh giành ngôi vua. Sau 8 tháng cầm cự, Thái Tử giành chiến thắng và lên ngôi Hoàng Đế, sử gọi là Lê Trung Tông . Vua ở ngôi được 3 ngày thì bị người em là Lê Long Đĩnh giết chết, cướp ngôi.
Lê Long Đĩnh, giống như vua cha Lê Đại Hành, vua tiến hành nhiều chiến dịch quân sự đánh dẹp các cuộc nội loạn trong nước trước khi bất ngờ qua đời năm 1009. Cuối đời vua có bệnh không ngồi được, khi nghe chính sự phải nằm, nên sử gọi là Lê Ngoạ Triều. Sau khi Ngọa Triều băng hà,người ngoại thất là Lý Công Uẩn (con rể vua Lê Đại hành) được quần thần suy tôn làm vua, mở ra nhà Lý, chấm dứt sự tồn tại của nhà Tiền Lê.
II. Mầm mống sự suy tàn
Giống như nhà Đinh, nhà Tiền Lê cũng nhanh chóng kết thúc sau cái chết của vị vua đầu triều. Tại sao một triều đại với những chiến tích binh nghiệp lớn, quan trọng như vậy lại sớm kết thúc? Khi đọc kỹ những sự kiện diễn ra trong các chính sử mới thấy có nhiều mầm mống suy tàn sinh ra từ những yếu tố khách quan, chủ quan và từ chính những “hào quang rực rỡ” của vua Lê Đại Hành.
1. Binh đao triền miên, quốc lực suy kiệt.
Bối cảnh nhà Tiền Lê thành lập, đất nước Đại Cồ Việt (trước là Tĩnh Hải Quân) vừa trải qua 97 năm từ 931-968 với hàng loạt cuộc binh biến dai dẳng, mà đỉnh cao là loạn 12 sứ quân (965-968), vị trí quốc quân cũng đổi họ liên tục. Đất nước vừa trải qua 12 năm tương đối yên ổn hồi phục dưới thời Đinh Tiên Hoàng. Nhưng khi Lê Đại Hành ở ngôi (980-1005) đã diễn ra 8 chiến dịch quân sự lớn nhỏ, sau khi Đại Hành băng hà, đất nước tiếp tục rơi vào 8 tháng nội chiến tranh ngôi vua (tháng 3 năm 1005 – tháng 12 năm 1005). Thời vua Lê Long Đĩnh (1005-1009) cũng diễn ra 5 chiến dịch quân sự . Tổng cộng, trong 30 năm tồn tại, nhà Tiền Lê đã diễn ra 14 chiến dịch quân sự lớn nhỏ, trong đó có 8 tháng nội chiến. Gánh nặng binh đao lên người dân, quốc khố khiến quốc lực suy kiệt.
13 chiến dịch quân sự gồm:
- 1. Đánh Đinh Điền – Nguyễn Bặc năm 980: Lê Đại Hành khi còn phò tá Đinh Toàn, 2 đại thần nhà Đinh là Nguyễn Bặc và Đinh Điền dấy quân, nhằm lật đổ Lê Hoàn. Lê Hoàn đem quân tiến đánh, bắt giết được cả 2 người.
- 2. Đánh Tống năm 981: Nhân cuộc biến lọan khi nhà Đinh mất, nhà Tống mang quân sang thu phục nước ta. Lê Đại Hành chỉ huy cả nước giành thắng lợi, phá tan quân Tống trên sông Bạch Đằng. Đây là một chiến thắng hết sức quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của quốc gia non trẻ Đại Cồ Việt. Công lao này của vua Lê Đại Hành là một dấu son chói lọi trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Công lao ấy còn vang vọng đến tận ngày nay.
- 3. Đánh Chiêm Thành năm 982, chiến dịch kéo dài 1 năm, do đích thân vua Lê Đại Hành chỉ huy. Chiến dịch kết thúc thắng lợi với chiến tích “thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì…”. Đây cũng là một chiến dịch quân sự quan trọng, vì Chiêm Thành luôn là một mối nguy hại ở phương Nam, thường xuyên có những hành động quấy rối biên cương.
- 4. Đánh 4 động Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoàng năm 996: Vua Lê Đại Hành tự chỉ huy và chiếm được 4 động này.
- 5. Đánh Đỗ Động giang năm 997: Lê Đại Hành thân cầm quân đi đánh, bắt được đồ đảng đem về Kinh sư.
- 6. Đánh 49 động Hà Động (vùng Quảng Ninh), động Nhật Tắc và châu Đinh Biên năm 999: Lê Đại Hành đích thân cầm quân.
- 7. Đánh Trịnh Hàng, Trần Lệ, Đan Trường Ôn ở Châu Phong năm 1000.
- 8. Đánh giặc Cử Long (vùng Cẩm Thủy – Thanh Hóa) năm 1001: Lê Đại Hành đích thân đem quân đi đánh. Tuy thắng lợi nhưng giặc chưa thua hẳn, mãi đến thời Lý Thái Tổ giặc này mới bị dẹp yên.
- 9. Nội chiến từ 3-1005 đến 12-1005: Lê Trung Tông cùng 2 người anh em đánh nhau tranh giành ngôi Thiên Tử. Kết quả Lê Trung Tông giành chiến thắng. Trung Tông lên ngôi được 3 ngày thì bị em trai là Lê Ngoạ Triều giết chết, cướp ngôi.
- 10. Đánh Ngự Bắc Vương và Trung Quốc Vương làm phản năm 1005: Ngoạ Triều thân chinh đi đánh.
- 11. Đánh Ngự Man Vương ở Châu Phong năm 1005: Ngoạ Triều thân chinh đi đánh.
- 12. Đánh giặc Cử Long năm 1005: Ngọa Triều thân chinh đi đánh
- 13. Đánh châu Đô Lương (Tuyên Quang) năm 1008: Ngoạ Triều thân chinh đi đánh
- 14. Đánh Án Động năm 1008: Ngoạ Triều thân chinh đi đánh.
Riêng thời vua Lê Đại Hành đã diễn ra 8/14 chiến dịch quân sự.
Trừ sự kiện tranh đấu, nội loạn, những chiến dịch quân sự đánh ngoại xâm, nội loạn còn lại của nhà Tiền Lê đều góp phần ổn định tình hình đất nước. Tuy nhiên cũng chính những chiến dịch quân sự dai dẳng, mà đỉnh cao là 8 tháng nội chiến, đất nước không có vua từ 3-1005 đến 12-2005 đã tiêu tốn vô số tiềm lực, nhân lực, vật lực của quốc gia trong khi không có nhiều chính sách hiệu quả để phát triển kinh tế đất nước, khiến cho quốc lực ngày một suy kiệt.
2. Lê Đại Hành lạm dụng phong Vương, chậm chễ phong Thái Tử.
Trong thời gian trị vì, vua Lê Đại Hành đã phong vương và trao binh quyền cho cho 11 người con đẻ, 1 người con nuôi, để họ cầm quân đóng giữ tại các vùng khác nhau của Đại Cồ Việt.
- Năm 989, phong thái tử Thau (có tài liệu ghi là Thâu) làm Kình Thiên Đại Vương (Thái tử mất năm 1000), hoàng tử thứ 2 là Ngân Tích là Đông Thành Vương, hoàng tử thứ 3 là Long Việt (Sau là Lê Trung To làm Nam Phong Vương
- Năm 991 phong hoàng tử thứ 4 là Đinh làm Ngự Man Vương đóng quân ở Phong Châu, hoàng tử thứ 6 là Ngận làm Ngự Bắc Vương đóng tại Phù Lan (Hải Dương)
- Năm 992, phong hoàng tử thứ 5 là Đĩnh (sau là Lê Ngọa Triều) làm Khai Minh Vương đóng ở châu Đằng (Hưng Yên)
- Năm 993, phong hoàng tử thứ 7 là Tung làm Định Phiên Vương đóng ở Ngũ Huyện Giang (vùng sông Cầu). Phong hoàng tử thứ 8 là Tương làm Phó Vương, đóng ở Đỗ Động Giang. Phong hoàng tử thứ 9 là Kính làm Trung Quốc Vương, đóng tại Mạt Liên (Hưng Yên)
- Năm 994, phong hoàng tử thứ 10 là Mang làm Nam Quốc Vương, đóng tại Vũ Lũng (Thanh Hóa)
- Năm 995, phong hoàng tử thứ 11 là Đề làm Hành Quân Vương, đóng quân tại Cổ Lãm (Bắc Ninh), phong con nuôi là Phú Đái Vương đóng tại Phú Đái (hay Phù Đái – Hải Dương).
Năm 1000, thái tử Thau qua đời, ngôi Thái Tử để trống, Lê Đại Hành chần chừ, không quả quyết trong việc phong thái tử.
“Mùa xuân, tháng giêng, lập Nam Phong Vương Long Việt làm hoàng thái tử, gia phong Long Đĩnh làm Khai Minh Đại Vương, Long Tích làm Đông Thành Đại Vương. Trước đó Long Đĩnh xin làm thái tử, vua có ý muốn cho. Đình thần nghị bàn cho rằng không lập con trưởng mà lập con thứ là không phải lễ. Vua bèn thôi. Đến đây lập Long Việt làm hoàng thái tử mà gia phong Long Đĩnh và Long Tích làm Đại Vương”
ĐVSKTT – Kỷ nhà Lê (Tiền Lê)
Việc lạm dụng phong vương cho các con cùng sự chậm chễ chọn người kế vị đã nuôi dưỡng các mưu tính đoạt ngôi của các “phiên vương” ngay từ trong trứng nước. Đồng thời việc chỉ định Thái Tử được quyết định bất nhất, định chọn Long Đĩnh rồi lại chọn Long Việt, khiến Thái Tử Long Việt không có nhiều thời gian chuẩn bị cho tương lai của mình, mà lại càng nuôi thêm mưu đồ làm phản trong lòng Long Đĩnh.
Và rồi cái gì đến cũng phải đến, sau khi Lê Đại Hành băng hà năm 1005, đã có 4 cuộc binh biến đoạt ngôi vị và người cuối cùng chiến thắng chính là vị hoàng tử Lê Đại Hành định chọn làm Thái Tử – Lê Long Đĩnh.
- Lần 1: Thái Tử Long Việt cùng hoàng tử thứ 2 Lê Ngân Tích và hoàng tử thứ 9 Lê Kính.
- Lần 2: Lê Trung Tông – Long Việt và hoàng tử thứ 5 Lê Long Đĩnh
- Lần 3: Lê Ngọa Triều – Long Đĩnh và hoàng tử thứ 5 là Lê Ngận và hoàng tử thứ 9 Lê Kính (Lê Kính làm phản 2 lần)
- Lần 4: Lê Ngoại Triều – Long Đĩnh và hoàng tử thứ 4 Lê Đinh
3. Lê Đại Hành không kịp đào tạo được người kế vị xứng đáng.
Nếu để ý trong 8 lần chinh phạt trong thời gian trị vì của Lê Đại Hành, ông đều tự cầm quân đánh giặc mà không hề trao quyền này cho bất cứ người con nào, kể cả thái tử. Điều này dẫn đến 2 hậu quả:
Thứ nhất: Với việc cầm quân chinh phạt liên miên, cảm tưởng như cả cuộc đời làm vua của Lê Đại Hành chỉ giành thời gian để chinh chiến. Tất nhiên với tài năng của nhà vua, đã góp phần giữ vững sự độc lập, ổn định của nước Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, là một vị Hoàng Đế, không nên chú trọng chinh chiến, cần giành thời gian để tạo ân uy với thiên hạ, tạo phúc cho bách tính… việc này Lê Văn Hưu nhận định rất rõ:
“Lê Dại Hành Giết Đinh Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư ? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý”
ĐVSKTT – Kỷ nhà Lê (Tiền Lê)
Thứ hai, việc đánh dẹp là những cơ hội để rèn luyện nhân tài kế cận. Giả như trong những chiến dịch quân sự của mình, Lê Đại Hành cử những người con mà ông đang phân vân cho ngôi vị Thái Tử trực tiếp cầm quân, thì tin rằng nhà vua đã có những cái nhìn có lý lẽ hơn về việc chọn người kế vị cùng với một lớp kế cận có tài năng, có thể trông cậy việc nước, đâu đến nỗi nhọc sức đánh đông dẹp bắc suốt cả cuộc đời mà việc truyền ngôi lại gây ra nhiều biến động như vậy?
Thứ ba, tất cả người con của Lê Đại Hành được phong vương, nhưng với việc “sống trên lưng ngựa” của vua cha, vô hình chung đã khuyến khích các con phát triển võ mà không trọng văn. Việc này thể hiện rõ nhất khi Lê Ngọa Triều lên ngôi, cũng nối gót vua cha, đem quân chinh chiến khắp nơi mà không có chính sách nào nổi bật để an ủi thiên hạ, tuyển chọn nhân tài hay phát triển kinh tế đất nước.
III. Lời Kết
Sinh ra rồi chết đi là lẽ thường của một con người, sự khai sinh rồi suy tàn của một triều đại cũng là lẽ thường của lịch sử. Nhưng người ta đều tiếc nuối khi chưa kịp làm hết tâm nguyện mà đã chết đi cũng như tiếc nuối khi thấy một triều đại huy hoàng bỗng trở thành quá khứ. Triều Tiền Lê, đặc biệt là vua Lê Đại Hành kiệt suất, với những chiến công hiển hách, đánh Tống, bình Chiêm, cũng để lại nhiều sự tiếc nuối như thế.
Hình tượng vua Lê Đại Hành đã được in sâu vào dân ta là một vị anh hùng dân tộc, tất nhiên là như vậy, nhưng hôm nay mình muốn đưa đến cho các bạn một góc nhìn rất khác về vị vua đặc biệt này. Người đời cho rằng Lê Long Đĩnh là người đánh đổ cơ đồ, nhưng theo mình vua Lê Đại Hành – người một mình gây dựng cơ đồ Tiền Lê – cũng chính là người đẩy triều Tiền Lê đến bờ vực suy vong, bởi những quyết định cá tính, chậm chễ và chần chừ của mình.
Tất nhiên, bài viết được mình viết dựa trên những dữ kiện ghi lại trong lịch sử, nhưng cũng là sự suy đoán mang tính cá nhân để gửi đến mọi người góc nhìn thú vị của lịch sử. Rất mong nếu có điều gì còn sai xin được các bạn chỉ giáo.
Thân ái chào tạm biệt
23-07-2023
TTDN