Kỳ 5: Triều cống – lãi hay lỗ?

1. Triều cống là gì?

Triều cống, về mặt hình thức, là việc một nước nhỏ mang tiền tài, sản vật của nước mình đến cống, hiến cho nước lớn, bày tỏ việc thừa nhận quyền bá chủ của nước lớn. Cụ thể trong trường hợp nước ta, chỉ việc các triều đại phong kiến Việt Nam cống tiền tài, phương vật và thừa nhận vị trí “trung tâm” của các triều đại Trung Quốc.

Việc triều cống phải được diễn ra hàng năm nhưng thường vì đường xá xa xôi, chi phí đi lại tốn kém, nên nước Nam ta yêu cầu phía Trung Quốc đồng ý việc 2, 3, 4… năm triều cống một lần (tất nhiên là lượng của cải cũng phải gấp 2, 3, 4… lần).

Minh Thực Lục chép:

Năm Hồng Vũ thứ 2 (Minh Thái Tổ – Chu Nguyên Chương, năm 1369), mang chiếu thư sang dụ An Nam (Việt Nam) và Chiêm Thành:

Trẫm vốn xuất thân bình dân…làm vua thiên hạ, nối dòng chính thống, đến nay được ba năm. Các ngươi đến triều cống thì An Nam là nước đầu tiên, thứ đến Cao Ly (Triều Tiên), rồi đến Chiêm Thành, tất cả đều dâng biểu xưng thần, hợp với chế độ xưa, Trẫm rất vui lòng”

Minh thực lục – Thái tổ thực lục.

Việc nước ta triều cống Trung Quốc cũng được coi là cái lệ từ lâu và “hợp với chế độ xưa”.

Đoàn cống của An Nam (bên phải là An Nam, bên trái là đoàn Tây Hạ) sang cống nhà Tống – Cừu Anh Chức Cống Đồ

2. Tại sao phải triều cống?

Nước ta phải triều cống nhưng cũng có thể nói là “được” triều cống.

Thứ nhất: chỉ khi Trung Quốc chấp nhận đồ nước Nam cống nạp, thì họ mới đồng ý “chơi” với nước ta, và thừa nhận là một quốc gia độc lập (tất nhiên là độc lập trên khuôn khổ một quôc gia vệ tinh).

Thứ hai: nước ta muốn giao thương, buôn bán với phương Bắc, nhất định phải nhận sách phong và triều cống.

Triều cống là tiền đề để mở đường thông thương giữa 2 Quốc gia.

Hiểu nôm na thì giống như câu chuyện sau: một người nọ tên là Việt muốn đến một cái chợ, mở hàng bán thịt lợn. Trong cái chợ đấy, đại ca bảo kê là anh Quốc, bán ở quầy giữa (Trung), vừa béo, vừa giầu, lại thích thể diện. Việc đầu tiên là tìm gặp anh Quốc, xin được làm em kết nghĩa, xin được vào chợ làm ăn, hứa sẽ ủng hộ anh làm đại ca và mỗi năm biếu anh 1 tỷ đồng tiền hoa hồng. Anh Quốc đồng ý, nhận Việt là em, cho tự do buôn bán tại quầy hàng phía Nam (lễ sách phong). Từ đấy, hàng năm, Việt ở quầy Nam mua bán qua lại, làm ăn khấm khá. Mỗi năm lại mang 1 tỷ đến biếu cho anh Quốc (chính là việc triều cống). Thế là ông Quốc vừa oai vì có thằng em cứ gặp là cúi rạp người chào, vừa không làm gì vẫn có mỗi năm 1 tỏi, 2 ae hòa bình buôn bán, cười tươi như hoa.

3. Phẩm vật triều cống gồm những gì?

Phẩm vật triều cống mỗi thời mỗi khác, có thời nặng nề, có thời khá hình thức. Ví như thời Trần, Mông Cổ yêu cầu nước ta cống cả thầy thuốc, thầy bói, thợ thuyền…, có thời kỳ như nhà Nguyễn, thỉnh thoảng nhà Thanh lại miễn giảm cống.

Cơ bản thì các đồ cống nạp gồm vàng bạc hoặc tương đương (như đồ chế tác từ vàng, bạc), phương vật (lụa, hồ tiêu, trầm hương…), con vật (voi, thú, ngà voi, sừng tê giác…) hay thậm chí là người (như cụ Tuệ Tĩnh là một trong những người Việt bị đem cống nạp cho Trung Quốc).

Triều Lý – Trần do thư tịch đứt đoạn, ít thông tin, sử chỉ chép đại khái không đầy đủ, mình xin gửi danh mục cống nạp của giai đoạn triều Lê – Mạc – Nguyễn để các bạn tiện tham khảo nhé.

Thời Lê – Mạc

Trong sách Loại chí của Phan Huy Chú có ghi về những sản vật cống thời vua Lê Thái Tổ và Mạc Thái Tổ khác cụ thể.

Lê Thái Tổ lên ngôi, đem cống:

  • 1 người vàng (thay cho nhà vua sang chầu).
  • 1 lư hương bạc.
  • 1 đôi bình hoa bạc.
  • 300 tấm lụa thổ sản.
  • 14 đôi ngà voi.
  • 20 lọ hương hun áo.
  • 2 vạn nén hương.
  • 24 khối tốc hương

Mạc Thái Tổ được phong tước, cống nạp:

  • 4 bộ lư hương và bình hoa bạc (100 lạng).
  • 1 con rùa vàng (90 lạng).
  • Hạc bạc và đài bạc mỗi thứ 1 cái (50 lạng).
  • 2 bộ bình hoa và lư hương bạc (mỗi bộ nặng 150 lạng).
  • 12 chiếc mâm bạc (641 lạng).
  • 60 cân trầm hương.
  • 148 cân tốc hương.

Triều Nguyễn:

“Hội Điển” triều Nguyễn có chép về danh mục cống nạp hàng năm thời bấy giờ như sau:

  • 2 ngà voi.
  • 2 cỗ tê giác.
  • 300 lạng trầm hương.
  • 600 lạng tốc hương.
  • Cau, hạt sa nhân mỗi thứ 45 cân.
  • Trừu lụa nõn, lụa mộc, vải, mỗi thứ 100 tấm.

Cũng có những lần nước ta được miễn-giảm cống. Như trong “Hội Điển” triều Nguyễn ghi nhận:

  • Năm Minh Mạng thứ 20, nhà Thanh đổi cho làm 4 năm cống một lần, và 2 lễ cống cùng nộp ấy, giảm đi một nửa…
  • Năm Thiệu Trị thứ 5, sứ ta định đem 2 lễ xin phong và tạ ơn ghép với 2 lần cống năm 1841 và 1845 đi cống một thể, tổng là 4 lễ. Nhà Thanh miễn cho 2 lễ cống 1841 và 1845.
  • Năm Thiệu Trị thứ 7, nhà vua băng hà, nhà Thanh cũng miễn cho đồ cống nạp.

4. Triều cống, lãi hay lỗ?

Triều cống là một việc làm khá tốn kém. Riêng tiền đi lại, ăn ở cho các sứ giả đã rất tốn kém, tiền phương vật còn tốn kém gấp nhiều lần. Nhưng chớ vì thế mà ta vội nghĩ là thiệt.

Mình xin đưa ra 3 cái nhận về của việc triều cống:

  • Khi triều cống, thường các triều đình Trung Quốc cũng ban lại cho nước ta các sản vật của nước họ như gấm vóc, áo mũ, lịch… (tất nhiên là giá trị ít hơn đồ ta mang sang). Ngoài ra cũng nhiều lần phía Trung Quốc cũng khá thiện chí khi miễn hoặc giảm đồ cống, chứ không nhất thiết bắt cống đầy đủ.
  • Việc triều cống, mở đường giao thương, giao lưu văn hóa giữa 2 nước, nước ta được phép mang các sản vật sang bán bên họ như muối, sắt, sản vật địa phương… Nước ta cũng có thể mua những thứ đồ như gốm, sứ, lụa, hay đặc biệt là sách vở, trang phục.
  • Hơn cả là được sự thừa nhận về mặt độc lập từ phía Trung Quốc.

Theo mình, nhìn chung thì việc triều cống này có lãi dài hạn.

  • Về mặt kinh tế hơn, bỏ ra một chút của cải để đổi lại việc giao thương, kiếm lại được những khoản lớn hơn từ việc buôn bán với nước họ.
  • Về mặt chính trị, việc triều cống thuận lợi, cũng là tiền đề cho việc ổn định chính trị, tránh nạn binh đao.
  • Về mặt văn hóa, mỗi đoàn sứ đi đi, về về là một lần họ tranh thủ tìm mua những sách hay, học hỏi những nghề, cây trồng từ người Trung Quốc mang về đóng góp cho đất nước (các bạn có thể tìm thử câu chuyện về chuyện Phùng Khắc Khoan mang cây Ngô về nước).
Đoàn An Nam (ông quan mặc áo đỏ đội mũ cánh chuồn) trong tranh Vạn Quốc Lai Triều – nhà Thanh (Trung Quốc)

5. Việt Nam cũng được triều cống.

Nước ta, cũng tự xưng hoàng đế, cũng tự nhận mình là trung tâm thiên hạ, nên các triều đình nước Việt cũng tự thiết lập một hệ thống các nước chư hầu của riêng mình và bắt họ phải triều cống. Các nước chư hầu của nước Việt nổi tiếng như Ai Lao, Chiêm Thành, Cao Miên…

Các sự kiện được ĐVSKTT ghi lại về việc triều cống của các nước chư hầu:

Nước Chiêm Thành:

Năm 1011, nước Chiêm Thành dâng sư tử.

Năm 1050, nước Chiêm Thành dâng voi trắng.

Năm 1055, nước Chiêm Thành sang cống.

Năm 1068, nước Chiêm Thành cống voi trắng.

Năm 1071, nước Chiêm Thành sang cống.

Năm 1198, nước Chiêm Thành sang cống và cầu phong.

Nước Chân Lạp:

Năm 1120, nước Chân Lạp sang cống.

Năm 1123, nước Chân Lạp sang cống.

Năm 1135, nước Chân Lạp sang cống.

Nước Ai Lao:

Năm 1434, Ai Lao sang cống lễ vật.

Năm 1564, Ai Lao mang cống vật địa phương và 4 con voi đực sang cống nạp.

Ngoài ra còn các nước như Cao Miên (campuchia), Xiêm La, La La Tư Điện,  Đại Oa…  cũng có sang cống nạp nước ta.

6. Lời kết

Ở cạnh mỗi gã không lồ luôn có lợi về kinh tế, từ xưa đến nay đều thế. Nhưng một gã béo bụng thì hay nhiễu sự. Muốn yên ổn ở cạnh một gã khổng lồ thì phải bỏ bớt đi sự hãnh diện hão, mà cốt lấy sự hòa bình, độc lập thực tế. Trong các đường lối ngoại giao thì mềm mỏng luôn mang lại hiệu quả hơn cả. Triều cống chính là một khoản chi phí rẻ nhất để đổi lấy sự yên ổn cho các triều đại phong kiến nước ta.

Mình mong rằng qua bài viết hôm nay, các bạn có được một cái nhìn khái quát về công việc triều cống, và hiểu thêm được rằng, việc này không “nhục nhã” như ta thường nghĩ, mà đầy ông cũng phải cống nạp cho Tầu như ta, nên có nhục cả đám, không nhục một mình. Sự “hạ mình” cộng với sự tự chủ nội bộ, sự “bành chướng” của riêng mình, các cụ đã để lại một dải đất tươi đẹp hình chữ S cho con cháu muôn đời.

Có lẽ bài viết của mình cũng xin được dừng ở đây thôi. Cám ơn các bạn đã đọc đến đây. Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ.

Thân áo chào tạm biệt!

TTDN_11/12/2022

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.