Phan Huy Chú nhận định:
“…Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn… Nước Việt ta có cõi đất phương Nam mà thông hiếu với Trung Hoa, tuy nuôi dân, dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế, mà đối ngoài thì xưng vương, vẫn chịu phong hiệu, xét lý thực phải như thế. Cho nên lễ sách phong, cống sính, việc bang giao các đời đều xem là quan trọng.”
Lịch triều Hiến Chương Loại Chí – lễ Nghi Chí
Việt Nam ta từ xưa, quan hệ với Trung Quốc luôn là trọng nhất. Hòa hiếu với các triều đại Trung Hoa cũng chính là phương pháp đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả nhất để giữ vững độc lập – tự chủ của dân tộc. Trong việc ngoại giao với Trung Quốc thời xưa, 2 việc quan trọng nhất chính là “nhận sách phong” và “triều cống”.
Hôm nay, mình xin gửi đến các bạn một số thông tin về “lễ sách phong”.
1. “Cầu phong” là gì, tại sao phải “cầu phong”
Trong “KỲ 1: HIỂU RÕ VỀ VUA – QUỐC VƯƠNG – HOÀNG ĐẾ”, mình có nói về vấn đề vấn đề “hoàng đế” và “chư hầu”. Các hoàng đế Trung Hoa luôn coi đất đai thiên hạ đều là của mình, vua các nước phiên thuộc như Việt Nam được “thiên tử” ủy quyền cai trị. Việc ủy quyền được thực hiện thông qua “lễ sách phong”. Được “thiên tử Trung Quốc” phong làm quốc vương, cũng có nghĩa Trung Quốc đã công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập.
Khi nước ta có một vị vua mới lên ngôi, việc đầu tiên là cử sứ thần sang Trung Quốc để xin được phong vương. Hành động này gọi là “cầu phong”. Việc cầu phong bên ngoài thể hiện sự thần phục của các nước chư hầu với thiên tử, nhưng thực chất là một hình thức ngoại giao để phía Trung Quốc công nhận nền độc lập của Việt Nam. Chính vì thế, việc cầu phong là một việc làm hệ trọng nhất định phải làm, liên quan đến sự yên ổn của quốc gia và là tiền đề để tiếp tục hòa hiếu với Trung Hoa, tránh nạn binh đao.
Thường thì khi sang cầu phong, vua Tầu sẽ vui vẻ đồng ý. Nhưng cũng có trường hợp họ không chấp nhận phong vương mà chỉ phong các chức tương đương với quan lại trấn giữ một tỉnh/quận/huyện. Những khi như thế, nước ta sẽ bị sách nhiễu rất phiền hà, thậm chí xẩy ra cả nạn binh đao. Như Lê Đại Hành lên ngôi, nhà Tống chưa công nhận ngay mà phải đến 4 lần phong:
- Năm 986: Nhà Tống phong Lê Đại Hành làm Tiết Độ Sứ (chức cai quản một phiên trấn thuộc Trung Quốc). Ý vẫn chỉ coi nước ta là một quận huyện mà thôi.
- Năm 990. Sang phong tiếp cho vua Lê là “đặc tiến” ( vẫn là chức quan mà thôi).
- Năm 993. Sang phong tiếp cho vua Lê là Giao Chỉ Quận Vương.
- Năm 997. Sang phong cho vua Lê là Nam Bình Vương.
Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, vì quốc gia đổi họ, nhà Minh suýt lấy cớ ấy mà sang đánh nước ta một lần nữa, quân đội đã lâm le đến tận biên giới. Mạc Đăng Dung phải thân hành, tự trói đến cửa ải Nam Quan mà chịu tội, sau cũng chỉ được phong là An Nam đô thống sứ ty, rồi hạch sách đủ đường.
2. Sách phong là gì
“Cầu phong” là bước tiền đề của “sách phong”. Sau khi vua nước ta cầu phong, nếu “hoàng đế” Trung Quốc đồng ý việc lên ngôi của tân vương nước Nam, sẽ cử đoàn sứ thần, mang thánh chỉ, quà mừng – lễ vật, áo mũ và 1 quyển “sách” sang phong cho vua ta.
“Sách” thường làm bằng kim loại quý, trên có khắc chữ nói về điển lễ và khắc tước vị được phong. Thế nên lễ này được gọi là “sách phong”. Việc ghi tước vị vào quyển sách quý thể hiện sự trường tồn, bất di bất dịch, được truyền đến muôn đời.
Lễ “sách phong” này cũng được dùng cho việc phong tước vị như phong hoàng hậu, phong thân vương, phong tước vị cho quan lại, hoàng thân…
3. Điển lễ sách phong, vua ta quỳ hay không quỳ?
Sách phong là điển lễ rất lớn và long trọng, được tổ chức trọng thể. Trong mục này, mình sẽ tóm tắt quá trình diễn ra lễ sách phong dưới thời Lê và Nguyễn.
Dưới thời Lê:
- Công tác chuẩn bị: Trước ba ngày diễn ra điển lễ, mội công tác trang trí, sếp đặt quan lại phải được hoàn thành. Trước 2 ngày, tân vương ăn chay, tế cáo Thái Miếu. Trước một ngày, 36 phố trong kinh thành đều trang trí cờ hoa, đường xá dọn dẹp sáng sủa.
- Ngày làm lễ: Các quan dự lễ đến tập trung trong thành, các quan đi đón sứ thần, đến cửa đông thành thì tân vương ra chào sứ thần, rồi cùng nhau đi vào sân làm lễ.
- Buổi lễ bắt đầu: Vua đến trước “long đình” (tượng trưng cho vua Trung Quốc) hành đại lễ “tam bái ngũ khấu đầu” (3 vái, 5 quỳ lạy). Sau đó sứ thần đọc chiếu chỉ, rồi trao cho tân vương. Tân vương nhận chiếu chỉ, bưng lên ngang trán rồi đưa cho quan đại thần. Sau đó tân vương tiến hành đại lễ “tam bái ngũ khấu đầu” lần 2 để tạ ơn. Từ giờ phút này, tân vương chính thức được vua Trung Quốc công nhận quyền cai trị. Lễ kết thúc, sau đó vua ta và sứ thần dùng trà, rồi tiến sứ thần đến nơi thiết yến tiệc.
Thời nhà Nguyễn:
- Công tác chuẩn bị: Trước ngày làm lễ, dựng điện Cần Chính ở thành Thăng Long (khi này, kinh đô nước ta là Huế, nhưng lễ sách phong vẫn tổ chức ở Hà Nội, nên nhà vua phải đi từ Huế ra Hà Nội để nhận phong), bày biện, trang trí tại điện Kính Thiên.
- Ngày làm lễ: Cử 2 đại thần đến xin được nghênh tiếp sứ nước Thanh, rồi cử 3 viên đại thần khác chờ sẵn ở bờ sông Hồng, thấy long đình qua thì hành lễ “tam khấu cửu bái” (3 quỳ 9 lạy – lễ này của nhà Thanh, trước kia là lễ tam bái ngũ khấu), rồi làm lễ 1 quỳ 3 lạy với sứ thần nhà Thanh. Sau đó rước phái đoàn nhà Thanh đến nơi làm lễ. Vua Gia Long đón ở cửa, vua và sứ thần vái chào nhau rồi cùng vào vị trí làm lễ.
- Buổi lễ bắt đầu. Vua Gia Long được mời đến vị trí trước long đình, hành lễ 3 quỳ 9 lạy. Sứ thần đọc chiếu sắc phong, ban ấn, sách cho vua Gia Long. Vua ta nhận rồi trao lại cho đại thần. Sau đó hành tiếp đại lễ tạ ơn 3 quỳ 9 lạy trước long đình. Lễ kết thúc, nhà vua và sứ thần dùng trà rồi tiễn sứ thần tới nơi thiết yến.
Trên đây mình đã tóm tắt hết sức giản lược buổi lễ sách phong dưới thời Lê và Nguyễn. Các bạn có thể thấy rằng trong buổi lễ, vua ta không những quỳ mà còn hành đại lễ như chư hầu gặp thiên tử trước long đình (đại diện cho vua Trung Quốc).
4. Lịch sử hoạt động cầu phong – sách phong
Đến đây, cơ bản nội dung bài viết của mình đã được làm sáng tỏ. Nhưng mình muốn cung cấp thêm một số thông tin về lịch sử cầu phong trong suốt triều đại phong kiến nước ta.
- Năm 945 thời vua Ngô Xương Ngập. Được vua Nam Hán phong làm Tiết Độ Sứ.
- Năm 972 nhà Đinh xin cầu phong nhà Tống, đến năm 973 phong Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quân vương, đến năm 975 phong làm Nam Việt Vương.
- Thời tiền Lê mình đã đề cập ở trên
- Triều Lý, từ thời vua Lý Thái Tổ đến Lý Thần Tông, nhà Tống chỉ phong cho nước ta làm Giao Chỉ quận vương. Đến giữa thời Lý Anh Tông mới phong làm An Nam quốc vương. Bấy giờ nước ta được gọi là An Nam thay vì Giao Chỉ.
- Triều Trần – Hồ, các vua đều được phong An Nam quốc vương.
- Triều Lê Sơ, giai đoạn đầu triều Lê, do còn thấy nhục nhã vì bị thua nước ta, các vua Minh vẫn chưa nuốt trôi cục tức, nên mãi vẫn chưa chịu phong vương cho vua ta. Đến đời vua Lê Thánh Tông trở đi, nhà Minh mới phong làm An Nam quốc Vương.
- Triều Mạc, nhà Minh chỉ phong Mạc Đăng Dung làm Đô Thống Sứ – hàm nhị phẩm. Việc này mình cũng đề cập ở trên.
- Triều Lê Trung Hưng, giai đoạn đầu, nhà Minh vẫn công nhận nhà Mạc, sau khi diệt nhà Mạc, vua Lê cầu phong nhưng chỉ được phong làm Tiết Độ Sứ. Đến đời vua Lê Thần Tông nhà Minh mới phong vua là An Nam quốc Vương (lúc này nhà Minh sắp bị nhà Thanh đánh đổ nên phong vương cho vua Lê tranh thủ ủng hộ). Sau đó nhà Thanh cũng tiếp tục phong An Nam quốc vương cho các vua nhà Lê Trung Hưng.
- Triều Tây Sơn, vua Quang Trung và Cảnh Thịnh đều được nhà Thanh phong làm An Nam quốc Vương.
- Triều Nguyễn, từ vua Gia Long đến Tự Đức, nhà Thanh phong làm Việt Nam quốc vương. Năm 1883, vua Tự Đức qua đời, lúc này nước ta đã bị Pháp đô hộ, quan hệ với Trung Hoa cũng đứt đoạn. Các đời vua kế tiếp đều không cầu phong nữa. Việc cầu phong và nhận phong cũng chấm dứt từ đây.
Lịch sử cầu phong, nhận phong của nước ta bắt đầu từ thời Ngô Xưng Ngập (975) đến hết thời vua Tự Đức (1883). Tổng là hơn 900 năm. sCó thể nói, lịch sử phong kiến nước ta gắn liền với lịch sử cầu phong và nhận phong
5. Lời kết
Có vài lần nói chuyện với một số người bạn, mình hỏi họ có biết vua nước ta quỳ hay không quỳ trong các buổi lễ sách phong hay không? Có người thì chưa biết đến lễ này, người thì chỉ nghe đến “sắc phong” chứ không biết “sách phong”, có người thì nghĩ rằng vua nước ta không phải quỳ trước bố con thằng nào. Nhưng thật sự thì vua ta có quỳ và quỳ rất bài bản.
Đọc đến đây chắc sẽ có bạn cũng thấy hơi tủi thân. Vì thấy nước ta đánh nhau với Trung Quốc toàn thắng mà sao lại phải quỳ “nhục nhã” như vậy? Nhưng các bạn ạ, nói gì thì nói, nước ta đánh nhau với Trung Quốc chẳng qua là bất đắc dĩ, buộc phải thế. Và chăng việc nhận phong này cũng chỉ là một nghi lễ hình thức mà thôi. Vì đế quyền của vua Tầu thực sự chỉ dừng lại ở ải Nam Quan chứ chưa bao giờ ảnh hưởng đến quyền tự quyết của các vị vua nước Nam. Việc nhận phong này, chính là thể hiện sự mềm dẻo trong việc bang giao với phương Bắc, mất một chút thể diện để đổi lấy bình yên, mất chút danh hão để đổi lấy sự tự chủ thực chất. Sau buổi lễ ấy, vua ta lại là một hoàng đế nước Nam.
Triết lý bang giao của nước ta luôn là vừa “nhu”, vừa “cương”. Thời bình, luôn tỏ ra là một chưa hầu ngoan ngoãn (vẻ bề ngoài thôi) nhưng khi bị ức hiếp quá mức, thì sẵn sàng tay đôi với giặc phương Bắc. Thành quả của đường lối ngoại giao này đã để lại cho con cháu không chỉ là một dải đất hình chữ S, một bờ biển mênh mông, mà còn là tinh thần tự chủ, một đường lối ngoại giao cực kỳ khéo léo. Đường lối bang giao này chưa bao giờ lỗi thời, dù cho đến tận thời kỳ hiện đại ngày nay.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc chưa bao giờ hết phức tạp, lúc bạn lúc thù. Khi là anh em thì tay bắt mặt mừng, khi bất đồng thì nồi da nấu thịt, nhưng có một điều mãi mãi không thay đổi được, Việt – Trung là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Và theo mình thì còn một điều nữa là: tổng quan thì Việt Nam luôn yếu thế hơn Trung Quốc về cả kinh tế và quân sự. Cạnh một nước lớn, một chính sách ngoại giao mềm dẻo khôn khéo nhưng cương quyết sẽ có lợi hơn cả. Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Các bạn thân mến, bài viết hôm nay mình xin dừng ở đây. Mong rằng chủ đề hôm nay giúp các bạn có thêm một món ăn lạ miệng trong bữa cơm lịch sử của mình.
Cám ơn các bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này. Chúc các bạn một tuần mới làm việc thật hiệu quả!
Thân ái chào tạm biệt.
TTDN_04/12/2022
[…] […]
[…] […]