Sau thất bại của Nùng Trí Cao, nhà Tống giữ thái độ cảnh giác cao và có những hành động gây hấn ở vùng Biên giới, phía Đại Việt không những không có hành động xoa dịu mà còn sử dụng các biện pháp mạnh hơn để đáp trả. Không ai chịu ai!
Căng thẳng lên cao khi dưới chủ trương của tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch, “Thiên Triều” quyết tâm đánh Đại Việt.
Trước nguy cơ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, nhà Lý đã quyết định chọn phương án hết sức quyết đoán là tấn công trước, đem quân đánh nhà Tống để phòng thủ từ xa, kế ấy gọi là “tiên phát chế nhân”.
I. Quyết tâm đánh Đại Việt của nhà Tống
Nhà Tống quyết tâm đánh Đại Việt khi Vương An Thạch lên nắm quyền.
Vương An Thạch được trọng dụng, mấy lần nhà vua [ Tống Thần
Tông] vời ra làm Tể tướng. Vương An Thạch cho thi hành biến pháp, gồm
những phép quan trọng như: Thanh miêu, Mộ dịch, Nông điền thủy lợi,
Thị dịch và Bảo giáp… Biến pháp đem ra thi hành, tuy cũng có công hiệu, nhưng dân bị nhũng nhiễu…Vương An Thạch muốn làm mạnh, phía bắc muốn
đánh các nước Liêu, Tây Hạ, phía nam thôn tính nước Giao Chỉ. Về nước
Liêu, nước này vị trí tại phương bắc hiểm trở, quan quân thử sức, không
thắng, nên đành phải tạm gác. Tây Hạ tuy yếu hơn, nhưng nằm sát nách
nước Liêu, nếu bức bách quá, thì hàng Liêu, hai nước hợp binh, lại càng
thêm nguy hiểm. Bởi vậy Vương An Thạch bàn đánh Giao Chỉ trước, nếu
thành công sẽ dựa vào khí thế, tiến về phía tây bắc đánh nước Hạ, rồi tiêu
diệt nước LiêuVua Tống Thần Tông bảo với Vương An Thạch:
– Dùng binh không có lý do, không được chính danh.
An Thạch tâu:
– Bệ hạ quả muốn dùng binh, đừng lo không có lý do
Như vậy quyết tâm đánh Đại Việt của nhà Tống đã rõ.
Mình đã phân tích vấn đề này trong Phần 1 – Những vùng đất Ky My.
II. Vùng đất Ung – Khâm – Liêm.
Về giao thông:
Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu là các vị trí trọng yếu tri phối vùng biên giới Việt-Tống, trong đó Ung Châu tri phối đường bộ, Khâm – Liêm tri phối đường biển.
Trong sách Trường Biên cũng ghi rõ có 16 tuyến đường từ Tống sang Việt. Thuận tiện hơn cả gồm 4 đường, 2 đường chính (1 thủy, 1 bộ), 2 đường phụ:
- Đường thủy là thuận tiện nhất, xuất phát từ cửa biển Khâm-Liêm, đi men theo vùng biển châu Vĩnh An (Móng Cái), đến vùng Cát Bà, Hạ Long sau đó tiến vào sông Bạch Đằng, rồi qua Lục Đầu giang mà vào Thăng Long. Tổng thời gian đi mất 5 ngày.
Về đường biển này, nếu bật google map lên có thể thấy rõ từ vịnh Mao Vĩ thuộc Khâm Châu (Trung Quốc) đến sống Đá Bạch (Bạch Đằng-Việt Nam) sẽ đi men theo biên giới Quảng Ninh – Hải Phòng. Vùng nước này nhiều đảo, nên lặng sóng, di chuyển thuận tiện, người Trung Quốc thời Tống coi đó như một con sông gọi là Đông Kênh (Trường Biên – Lý Đào).
- Đường chính trên bộ xuất phát từ trại Vĩnh Bình (trại vệ tinh của Ung Châu, vùng Ninh Minh, Bằng Tường – Trung Quốc), đi vào vùng Lạng Sơn xuống Bắc Giang, Bắc Ninh (Việt Nam), phải vượt qua hai con sông lớn là sông Cầu và sông Thương. Đường này đi mất 4 ngày. Đây chính là đường bộ mà Quách Quỳ mang quân xuống xâm lược Đại Việt năm 1076-1077.
- Hai đường khác nằm ở phía Tây đường Vĩnh Bình nêu trên. Một từ trại Thái Bình (trại vệ tinh của Ung Châu), đi qua Lạng Sơn xuống Thăng Long, đi mất 6 ngày. Một đường nữa từ vùng Ôn Nhuận (Trung Quốc) đi qua Cao Bằng, tức là đường Cao Bằng – Bắc Cạn – Thái Nguyên này nay đi mất 12 ngày. Hai đường này khó đi và mất thời gian hơn.
Ngoài ra cũng cần để ý đến tuyến đường thủy từ Khâm Châu lên Ung Châu dọc theo sông Hữu Giang cũng là một tuyến đường thuận tiện (bật google map lên có thể thấy tuyến đường này. Đây cũng chính là con đường Lý Thường Kiệt mang quân chủ lực tới Ung Châu trong năm 1076.
Về bố trí binh lính nhà Tống trên biên giới hai nước:
Các trại vệ tinh của Ung Châu có binh lính đóng giữ, nằm dọc theo biên giới Tống – Việt đóng vai trò bảo vệ từ xa Ung Châu, tri phối tuyến đường Tống – Việt, để đến Ung Châu và ngược lại, phải đi qua các trại này. Sau này sẽ thấy, đây chính là các mục tiêu tấn công trên bộ đầu tiên của quân dân nhà Lý.
- Trại Thiên Long: Giáp Khâm Châu – Tống và châu Vĩnh An – Việt (tức vùng Móng Cái – Quảng Ninh).
- Trại Cổ Vạn: Vùng giáp Tô Mậu – Việt (là vùng Định Lập – Lạng Sơn và một phần Quảng Ninh).
- Trại Vĩnh Bình: vùng Bằng Tường – Tống.
- Trại Thái Bình: nằm phía đông vùng Thất Nguyên, Quảng Nguyên ( vùng Cao Bằng ngày nay).
- Trại Hoành Sơn: Nằm giữa Cao Bằng và Hữu Giang (Trung Quốc), giáp Cao Bằng.
Về bố trí quân nhu, quân lương:
Trong quan chế nhà Tống, vùng Quảng Nam Tây Lộ, tri Ung Châu kiêm luôn chức “an phủ đô giám”, phụ trách binh lương, luyện tập phòng ngự biên thùy. Đương nhiên thành Ung Châu là cứ điểm chứa binh lương, khí giới vùng biên giới Quảng Tây.
Trước khi mang quân xuống đánh Đại Việt, đương nhiên binh lương quân nhu… phải tập kết ở Ung Châu là tiện đường, tiện người hơn cả.
Từ các dữ kiện trên, có thể thấy tầm quan trọng của Ung – Khâm – Liêm, nhưng để so sánh thì Ung Châu là trọng yếu hơn cả. Chính vì thế sau đây, Lý Thường Kiệt mang đại quân sang đánh Tống, mục đích cuối cùng là phá thành Ung Châu.
III. Nhà Lý chuẩn bị đại chiến
“Ngồi im chờ giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc” (Việt Điện U Linh), đó là lời tâu của Lý Thường Kiệt lên vua Lý Nhân Tông thể hiện quyết tâm đánh Tống của Đại Việt.
Vương An Thạch tại vị từ năm 1070 và bắt đầu chủ trương tân pháp và nhắm mũi nhọn tiến công sang Đại Việt, nên theo tôi, việc nhà Lý chuẩn bị đánh Tống từ những năm đầu 1070 chứ không phải đến sát năm 1075 mới chuẩn bị rồi tiến công ngay, có lẽ bắt đầu sau khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi (1072).
Có lẽ chuẩn bị quân mã, khí giới, lương thảo… là những việc “chuyên môn” của Lý Thường Kiệt, Bao nhiêu thuyền chiến, bao nhiêu quân lương, bao nhiêu ngựa xe… không phải là vấn đề khó đối với vua tôi Đại Việt. Điều mình muốn nói đến trong mục “nhà Lý chuẩn bị đại chiến này” chính là việc ổn định nội bộ đang chia rẽ của nhà Lý.
Quay về năm 1072 khi Lý Nhân Tông lên ngôi, Hoàng Thái Phi Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt chiến thắng phe của Thượng Dương Thái Hậu và Thái Sư Lý Đạo Thành (đây là một sự kiện nổi tiếng, mình sẽ gửi đến các bạn trong một bài viết gần nhất). Lý Đạo Thành bị giáng chức ra coi Nghệ An (1073).
Lý Đạo Thành là bậc lão thần có tư tưởng nho giáo, có ảnh hưởng rất lớn trong ngoài triều đình, đặc biệt là giới sỹ phu. Tuy nhà Lý theo phật giáo và coi trọng binh nghiệp, nhưng nho giáo đã bắt đầu đi sâu vào lề lối trị quốc, bằng chứng là năm 1070 Lý Thánh Tông đã cho dựng Văn Miếu thờ Khổng Từ, 1072 Lý Nhân Tông cho dựng Quốc Tử Giám để dạy học. Rõ ràng cuộc tranh đấu giữa Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành chính là đấu tranh giữa phe Nho học và phe Binh nghiệp – Phật giáo.
Chúng ta cùng xem hai sự kiện mà ĐVSKTT sau đây:
Năm 1074, Lý Đạo Thành được triệu về Thăng Long, giữ chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự (hàng tể tướng). Năm 1075 tổ chức khoa thi Nho học đầu tiên trong lịch sử phong kiến.
Đây chính là một nước đi chính trị của Lý Thường Kiệt. Việc mời Lý Đạo Thành trở về kinh thành giữ chức tể tướng, lại ủng hộ một khoa thi theo hướng Nho giáo, đã giúp nội bộ triều Lý có một sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau tuyệt đối. Việc này không khác gì gần 100 năm sau, Trần Hưng Đạo tắm cho Trần Quang Khải!
Cùng với việc đánh bại Chiêm Thành (năm 1069) tình hình nhà Lý và nhà Tống từ thế tương đồng sang Lý mạnh Tống yếu như sau:
- Thứ nhất là nội bộ: nhà Tống mâu thuẫn sâu sắc khi Vương An Thạch thực hiện cải cách. Phe bảo thủ của các lão thần như Tư Mã Quang và phe cải cách của Vương An Thạch đấu đá nhau kịch liệt. Trong đó phía nhà Lý đã hoàn toàn đồng tâm nhất trí.
- Thứ hai là mối lo ngoại xâm: nhà Tống chưa khi nào thoát khỏi sự uy hiếp của Liêu, Hạ ở phương Bắc. Chính việc đánh Đại Việt cũng nhằm lấy thanh thế để uy hiếp Liêu – Hạ. Trong đó nhà Lý đã ổn định được Chiêm Thành, không còn mối nguy hiểm từ phương Nam.
- Thứ ba, là hệ quả quả hai lý do trên, nhà Tống tuy muốn đánh đại Việt nhưng dùng dằng chưa chốt được hành động cụ thể, nên vẫn ở thế bị động. Nhà Lý chọn cách đánh phủ đầu và có sự chuẩn bị kỹ càng, nên nằm ở thể chủ động.
Như vậy, đến khoảng năm 1075, nhà Lý cơ bản đã chuẩn bị xong mọi công tác chuẩn bị cho việc đánh Tống. Cuộc hành quân chính thức bắt đầu!
IV. Tấn công biên giới trên bộ
Khởi sự, nhà Lý không dồn toàn lực tấn công mà chia ra hai hướng tấn công Đông và Tây.
Hướng phía Đông:
Gồm quân thổ binh của các thủ lĩnh tộc người thiểu số dọc biên giới Tống – Việt, từ vùng Quảng Nguyên (Cao Bằng) đến vùng Tô Mậu (Quảng Ninh), sử chép đạo quân này do tướng Tông Đản chỉ huy. Hướng tiến công phía đông có 2 mục đích chính:
- Đánh thẳng vào các trại biên giới nêu ở trên gồm Hoành Sơn, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn, từ đó tiến đến bao vây Ung Châu theo hướng Tây Nam.
- Cao minh hơn, đây là cánh quân đánh lạc hướng, khiến quân Tống tưởng rằng quân nhà Lý sẽ đánh theo dường bộ. Từ đó, sự tập Ung Châu sẽ dồn quân xuống phía Tây Nam mà quên đi mặt trận Đông Nam (hướng từ Khâm Châu).
Kế này khá vẹn toàn, vì nếu ngược lại, nhà Tống không dồn quân xuống phòng thủ vùng Tây Nam thì cánh quân hướng Đông cũng dễ dàng tiến thẳng đến Ung Châu. Dù nhà Tống ứng phó như thế nào thì nhà Lý vẫn đạt được mục đích là đánh đến Ung Châu.
Trận mở màn hướng Đông bắt đầu ngày 27/10/1075, 700 quân nhà Lý đánh vào trại Cổ Vạn (có lẽ là thổ binh vùng Tô Mậu). Vì nhiều lý do mà sự kiện này đến tận ngày 8/12/1075 vua Tống mới biết có chiến sự, ngày 21/12/1075 mới biết trại Cổ Vạn thất thủ.
Các diễn biến tiếp theo ở mặt trận phía Đông không được ghi cụ thể, chỉ biết sau đó các trại biên giới gồm Thái Bình, Thiên Long, Vĩnh Bình, Hoành Sơn cũng đều bị thất thủ.
Ngày 18/1/1076 cánh quân phía Đông tập kết vây thành Ung Châu.
V. Đại phá Khâm – Liêm
Mặt trận phía Tây do đích thân Lý Thường Kiệt chỉ huy, tiến quân chậm hơn, có lẽ do quân số lớn hơn nên cần thời gian chỉnh đốn, lại đợi phía Đông hành sự trước để xem xét tình hình.
Trước tiên tiến đánh hai đồn vệ tinh của Khâm Châu là Để Trạo và Như Tích, các chúa trại đều tử trận. Đến ngày 30/12/1075 thì đánh chiếm được Khâm Châu. Tin này đến ngày 8/1/1076 mới báo về đến tai vua Tống.
Nhà Tống bị động đến mức viên Tri Khâm Châu là Trần Vĩnh Thái khi nghe tin báo là Giao Chỉ (tức Đại Việt) sắp đánh úp Khâm Châu mà vẫn không tin. Đến khi Lý Thường Kiệt đến đánh mà viên Tri Châu này vẫn đang trong cuộc tiệc rượu, quân nhà Lý vào thành bắt không sót một ai (sau đem giết cả).
Ngày 2/1/2076, ba ngày sau phá Khâm Châu quân Lý tiếp tục phá Liêm Châu. Tin này đến ngày 10/1/1076 mới báo về triều đình Tống.
Chiếm xong Khâm, Liêm, Lý Thường Kiệt hành quân về Ung Châu.
Để phô trương sức mạnh và thu phục lòng người (cốt để người Tống không phá đường lui quân), Lý Thường Kiệt có yết bảng “phạt Tống lộ bố văn” dọc đường đi với nội dung chủ đạo nói:
- Quân Lý sang cốt để truy đuổi những kẻ phản bộ trốn theo nhà Tống
- Cứu giúp dân Tống bị khốn đốn bởi chính sách tân pháp của Vương An Thạch.
Vì thế mà dân Tống thấy quân Lý đều “vui mừng”, đem trâu rượu ra khao, lại bày hương án bên đường để bái lạy. Nhờ đó đường đi được thuận tiện mà thanh danh quân Lý lại cao ngút trời vậy.
Không rõ đạo quân chủ lực này đến Ung Châu ngày nào, chỉ biết đến sau quân của Tông Đản, tức là sau ngày 18/1/1076.
VI. Vây thành Ung Châu
Ung Châu là một thành hết sức kiên cố, chính Vương An Thạch cũng tự tin rằng quân Lý không thể phá nổi.
Tướng giữ thành là Tô Giám (lấy tên theo ĐVSKTT) là một tướng lão luyện và trung thành hết mực, lại quyết giữ thành không hàng nên quân Lý gặp nhiều khó khăn. Trận chiến tại Ung Châu cũng là màn đấu trí căng não giữa Tô Giám và Lý Thường Kiệt.
- Chiến thuật “vân thê”: quân Lý dùng thang cao, dựng đứng, cho quân trèo vào trong thành. Tô Giám dùng “hỏa tiễn” đốt thang, quân Lý không thể vào nổi thành.
- Chiến thuật “tên độc”: quân Lý dùng tên tẩm độc bắn vào trong thành, người và ngữa chết rất nhiều. Tô Giám hết sức động viên quân lính lại nghiêm quân lệnh nên thế thành Ung Châu vẫn đứng vững.
- Chiến thuật “đào hầm”: quân Lý đào những đường hầm, có lót da ở trên để tránh nước, định cho quân chui vào trong thành. Tô Giám tuy biết nhưng để mặc, đến khi hầm đủ sâu, đủ dài, đủ nhiều người mới phóng hỏa đốt, tiêu diệt rất nhiều sinh lực quân Lý.
- Chiến thuật “hỏa công”: quân Lý phóng các chất dễ cháy vào trong thành Ung Châu, trong thành bị vây đã lâu, thiếu nước nên không thể dập nổi, tình cảnh bắt đầu ngặt nghèo.
Vây thành nhiều ngày chưa phá nổi, tuy nhiên trong thời gian này quân Lý cũng không phải là “vô công”:
- Vây chặt thành Ung Châu khiến nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đến mức Tô Giám muốn kể tội Thẩm Khởi, Lưu Di (những viên quan phụ trách vùng Quảng Tây đã chủ trương gây sự với Đại Việt) nhưng không thể dâng biểu đến triều đình mà phải yết bảng ra giữa chợ.
- Các chiến thuật tấn công tuy nhất thời chưa phá được thành nhưng đã biến Ung Châu thành một tử địa. Người dân phải vục nước bẩn mà uống, lương thiếu, thành Ung Châu còn chống cự được là do Tô Giám quyết chí tử thủ nên kích động lòng người hăng hái chiến đấu mà thôi.
- Đánh tan viện binh của Trương Thủ Tiết ngày 11/2/1076: Trương Thủ Tiết được lệnh đi cứu Ung Châu, nhưng nghe tin quân Lý đông gấp 10 lần, nên chần chừ, đưa quân đi lòng vòng mà không tiến thẳng Ung Châu. Viện binh đến ải Côn Lôn, gặp Lý Thường Kiệt phục sẵn, quân của Tống thua thảm, Trương Thủ Tiết bị giết.
VII. Đại Phá Ung Châu
Vây thành từ ngày 18/1/1076 đến ngày 1/3/1076, tổng 42 ngày mà chưa phá nổi, quân Lý tổn thất hơn vạn rưỡi quân, voi chiến chết nhiều, các kế công thành cũng không có cách nào đủ mạnh để phá thành. Hơn nữa thành Ung Châu chưa mất nhưng cũng đã bị tàn phá nặng nề, Khâm, Liêm cũng đã chiếm được. Thời gian càng lâu, lương thực càng thiếu, nếu nhà Tống động binh chặn đường lui hay đi vòng đánh thẳng Đại Việt thì tình thế hoàn toàn đảo ngược. Lý Thường Kiệt đã bắt đầu tính đến đường lui quân.
Đúng lúc đó, có người bày cho kế “thổ công” (sách Trường Biên chép là tù binh người Tống). Kế này là dùng bao đất đắp dần lên cao bằng thành Ung Châu, rồi cho người trèo vào trong thành. Kế này có thể thử một lần sau chót!
Ngay lập tức, hàng vạn bao đất được mang tới chất lên như núi, cao bằng mặt thành Ung. Quân Lý lần lượt kéo vào, thành Ung Châu bèn mất vào ngày 1/3/1076.
Tô Giám tuy biết thành đã mất nhưng vẫn đốc thúc quân lính, mang cả quân bị thương ra chống cự. Đến cuối cùng thấy không còn hi vọng, bèn giết cả nhà 36 người sau đó tự thiêu chết, quyết không chịu nhục. Công bằng mà nói, Tô Giám cũng là một bậc anh hùng vậy!
Phá Ung Châu xong, Lý Thường Kiệt ra lệnh giết hết người trong thành Ung Châu, cứ 100 cái thủ cấp xếp thành 1 đống, tổng có 580 đống. Tức là khoảng gần 6 vạn đầu người.
Sau khi phá Ung Châu, Lý Thường Kiệt còn dẫn quân lên phá Tân Châu ở phía Bắc, sau đó mang toàn bộ chiến lợi phẩm (người, của) rút lui về Đại Việt, bảo toàn lực lượng, vì ông biết, nhà Tống sẽ trả thù này.
VIII. Đánh giá
Đại phá Ung Châu là một cuộc tiến công hết sức quyết đoán của Lý Thường Kiệt. Đây có lẽ cũng là lần duy nhất trong lịch sử, quân nước Việt ta mang quân sang đánh sâu vào đất “Thiên Triều”.
Thất bại tại Ung Châu gây chia rẽ sâu sắc hơn nữa nội bộ nhà Tống, đồng thời khiến nguyên khí vùng Quảng Tây tổn hại nghiêm trọng, khiến cuộc hành quân của nhà Tống sang đất Đại Việt gặp rất nhiều khó khăn. Trong phần sau của chủ đề này, chúng ta sẽ thấy, nhà Tống đã thất bại trong việc đánh nhà Lý ngay từ khâu chuẩn bị!
Theo tôi, nguyên nhân trực tiếp đem lại chiến thắng này là tài quân sự của Lý Thường Kiệt cùng công lao của quân dân Đại Việt. Nhưng nguyên nhân sâu sa đến từ việc Lý Thường Kiệt bỏ qua quyền lợi cá nhân mà giảng hòa với Lý Đạo Thành. Sự kiện này tạo sự đoàn kết nội bộ và nước, từ đó tập trung được toàn bộ nguồn lực quốc gia cho cuộc chiến.
Lần tiến công này, các châu động vùng biên giới đểu hưởng ứng, thể hiện rõ cho nhà Tống thấy các vùng châu động quyết theo Đại Việt chứ không theo Tống. Cũng là lời cảnh tỉnh cho những thủ lĩnh vùng Ky My thấy cái giá của việc phản bộ Đại Việt. Từ đó củng cố ảnh hưởng của nhà Lý tại vùng đất này.
Ở phần sau của chủ đề “đòi lại Quảng Nguyên”, tôi sẽ gửi đến các bạn những diễn biến tiếp theo, khi nhà Tống quyết tâm trả thù và cuộc phòng thủ vĩ đại của quân dân Đại Việt trên dòng sông Như Nguyệt.
To Be Continued