Như đã nói trong phần I, thế kỷ XI, nhà Lý và nhà Tống đều là hai quốc gia mới được thành lập sau loạn “ngũ đại thập quốc”, đang trong quá trình phát triển, việc phân chia biên giới để ổn định lâu dài là một sứ mệnh lịch sử.
Tuy nhiên, không chỉ có hai tộc người Kinh và người Hán, mà còn một tộc người nữa cũng muốn tham gia vào cuộc “phân lô bán nền” lịch sử này, đó là tộc người Tày-Nùng-Tráng (Choang) – từ sau đây tôi xin gọi chung là tộc người Tráng – mà lãnh đạo là vị tù trưởng nổi tiếng Nùng Trí Cao.
Dân số tộc người Tráng từ xưa đến nay đều đông đúc, ở Trung Quốc hiện nay, tộc người Tráng có đến 18 triệu người, chỉ sau người Hán, có cả khu tự trị dân tộc Tráng (Choang) ở Quảng Tây. Ở Việt Nam cũng ngót triệu người phân bổ nhiều ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Thông tin này giúp chúng ta dễ mường tượng tương quan dân số tộc người Nùng ở vùng Cao Bằng – Quảng Tây, trùng khớp với vùng Ky My như trình bày trong phần I.
Giống người Kinh, người Tráng cũng khao khát có một Quốc gia độc lập cho riêng mình. Trong lịch sử đã có tận 2 lần người Tráng đứng ra thành lập Quốc gia riêng biệt, tách khỏi hai nước Tống-Việt. Đó là cha con thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Nùng Toàn Phúc (nổi dậy năm 1038) và Nùng Trí Cao ( nổi dậy năm 1052). Trong hai lần đó, Nùng Trí Cao thành công hơn cả khi có chiến tích mang quân sang càn quét một vùng rộng lớn đất Tống (1052-1053) trước khi bị đánh bại.
Hôm nay, trong phần II chủ đề “đòi lại Quảng Nguyên” tôi xin gửi đến bạn đọc câu chuyện lịch sử về sự nổi dậy tộc người Tráng mà Nùng Trí Cao là nhân vật điển hình.
I. Nùng Tồn Phúc và nước Trường Sinh (1039)
Trước khi sự kiện nổi dậy của Nùng Trí Cao, vào năm 1038-1039 đã diễn ra sự kiện thủ lĩnh người Tráng là Nùng Tồn Phúc (có sách chép là Toàn Phúc) tự lập nước Trường Sinh. ĐVSKTT chép:
Năm 1038, tháng 12, Nùng Tồn Phúc ở châu Quảng Nguyên làm phản. Tồn Phúc là thủ lĩnh châu Thảng Do, em là Tồn Lộc làm thủ lĩnh châu Vạn Nhai. Em trai của A Nùng, vợ Tồn Phúc, là Đương Đạo làm thủ lĩnh châu Vũ Lặc, đều thuộc châu Quảng Nguyên (Cao Bằng), hàng năm nộp cống đồ thổ sản. Sau Tồn Phúc giết Tồn Lộc và Đương Đạo, chiếm luôn cả đất, tiếm xưng là Chiêu Thánh Hoàng Đế, lập A Nùng làm Minh Đức Hoàng Hậu, phong cho con là Trí Thông làm Nam Nha Vương, đổi châu ấy gọi là nước Trường Sinh, sửa soạn binh giáp, đắp thành kiên cố để tự giữ, không nộp cống xưng thần (với Đại Cồ Việt) nữa.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Theo như khảo cứu của GS Đào Duy Anh trong “Đất nước Việt Nam qua các đời”, châu Thảng Do cạnh châu Quảng Nguyên, thuộc đất Cao Bằng, châu Vạn Nhai thuộc huyện Bắc Sơn – Lạng Sơn. Theo ĐVSKTT, châu Vũ Lặc thuộc tỉnh Cao Bằng. Như vậy, vùng đất Nùng Tồn Phúc chiếm đóng khá rộng lớn, trải dài vùng Cao Bằng-Lạng Sơn ngày nay.
Tuy nhiên cuộc nổi dậy này nhanh chóng thất bại
Năm 1039, Tháng 2, vua (Lý Thái Tông) tự làm tướng đi đánh Tồn Phúc … Đến châu Quảng Nguyên, Tồn Phúc nghe tin đem cả bộ lạc vợ con trốn vào chằm núi. Vua cho quân đuổi theo bắt được Tồn Phúc và bọn Trí Thông 5 người. Chỉ có vợ là A Nùng, con là Trí Cao chạy thoát. Đóng cũi bọn Tồn Phúc đem về Kinh sư…đều chém ở chợ kinh đô (Thăng Long)”.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Cuộc nổi dậy diễn ra chỉ vỏn vẹn khoảng 3 tháng từ tháng 12 năm 1038 đến tháng 3 năm 1039. Kết cục gần như cả nhà Tồn Phúc bị xử chém. Tuy nhiên trong số thân thuộc của Nùng Tồn Phúc có vợ và 1 người con trai tên là Nùng Trí Cao chạy thoát.
II. Thủ lĩnh người Tráng Nùng Trí Cao
Về lai lịch của Trí Cao, sách Trường Biên (Trung Quốc) có ghi khá lý thú như sau:
Khi Toàn Phúc (Tồn Phúc) bị bắt, A Nùng bèn lấy thương nhân, sinh ra Nùng Trí Cao. Lúc Nùng Trí Cao 13 tuổi, giết người cha thương nhân, và bảo rằng:
– Trong thiên hạ há lại có người 2 cha ư?
Nhân đó bèn mạo nhận họ là Nùng, cùng mẹ đến ở động Lôi Hỏa [phía tây bắc Lạng Sơn]
Tục tư trị thông giám trường biên – Lý Đào
Có lẽ Trường Biên chép theo giai thoại nào đó hoặc cố ý bôi xấu Nùng Trí Cao chăng?
Về hành tung của mẹ con Trí Cao từ sau thất bại của Nùng Tồn Phúc đến trước năm 1052, sách ĐVSKTT và Trường Biên ghi chép khá chi tiết.
Năm 1041, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa (nay thuộc Quảng Tây-Trung Quốc) lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy làm nước Đại Lịch. Vua (Lý) sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về Kinh sư. Vua thương tình vì cha là Tồn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho bốn động Lôi Hỏa, Bình, An, Bà và châu Tư Lang nữa.
Năm 1043, Tháng 9, ngày mồng 1, (Lý Thái Tông) sai Ngụy Trưng đến châu Quảng Nguyên, ban cho Nùng Trí Cao đô ấn, phong làm Thái bảo
Năm 1044, Thái bảo Nùng Trí Cao về chầu (vua Lý)
Năm 1048, Nùng Trí Cao làm phản, chiếm giữ động Vật Ác (Tĩnh Tây-Quảng Tây ngày nay). Sai Thái úy Quách Thịnh Dật đi đánh…Trí Cao phải hàng (cõ lẽ sau đó được tha và phục chức cũ nên có sự việc năm 1052)
Theo các sử liệu ghi lại, có thể thấy Nùng Trí Cao và mẹ là A Nùng, (có lẽ thừa hưởng danh tiếng cha là Nùng Tồn Phúc), rất có uy tín trong tộc người Tráng. Sở cứ là việc sau khi Nùng Tồn Phúc bị giết năm 1039, chỉ 2 năm sau, Nùng Trí Cao đã đủ lực lượng chiếm lại động Vật Ác, thậm chí thành lập nước Đại Lịch.
Về phía nhà Lý, triều đình hết sức nhẫn nhịn với “đối tượng” Nùng Trí Cao bằng một loạt các hành động mềm dẻo. Tuy Lý Thái Tông đánh bắt được Trí Cao mang về (1041 và 1048), nhưng có lẽ sợ làm mất lòng người Tráng nên không giết Trí Cao, thậm chí còn ban thêm cho Trí Cao quyền trấn thủ các châu lân cận. Năm 1049 vua Lý Thái Tông phong Nùng Trí Cao hàm Thái Bảo – hàng tam công – đứng đầu triều đình. Những hành động này nhằm lôi kéo Nùng Trí Cao đứng về phía Đại Cồ Việt, cũng như tạo sự tin cậy lẫn nhau giữa người Kinh và người Tráng
Tuy nhiên, Nùng Trí Cao nói riêng và người Tráng nói chung không muốn như vậy, họ muốn có một quốc gia cho riêng mình, như cách Đại Cồ Việt đã từng làm:
Năm 1052, Mùa hạ, tháng 4, Nùng Trí Cao làm phản, tiếm xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam, sang cướp đất nhà Tống
III. Nhân Huệ hoàng đế Nùng Trí Cao
Nùng Trí Cao tiếm hiệu xưng đế, lập nước trên vùng đất Quảng Nguyên và các động được nhà Lý phong quản năm 1041 và chiếm giữ các châu thuộc nhà Tống. Cuộc nổi loạn đã gây gieo rắc tai ương một vùng Ung-Quảng.
ĐVSKTT chép vắn tắt, nhưng sách Trường Biên của Lý Đào (nhà Tống) lại chép rất chi tiết cuộc nổi dậy này:
12/5/1052, trước đó Nùng Trí Cao cống sản vật địa phương xin nội-thuộc (nhà Tống), bị triều đình (nhà Tống) khước-từ. Sau đó dâng thư viết trên vàng lá, Tri châu Ung Châu là Trần Củng tâu lên, nhưng không được trả lời. Trí Cao đã xin không được, lại cừu địch với Giao Chỉ (Đại Cồ Việt), bèn dựa vào lợi thế sông núi đất Quảng Nguyên, chiêu tập những thành phần vong mạng. Mấy lần [cho người] mang y phục cũ xin đổi lấy gạo ăn, nói dối rằng dân trong động đói, bộ lạc ly tán; Ung Châu tin rằng chúng yếu nhược, nên không phòng bị. [Trí Cao] Bèn cùng với các viên Tiến sĩ (người Tống) đất Quảng Châu [Quảng Đông] là Hoàng Vĩ, Hoàng Sư Mật, cùng đồng đảng là Nùng Kiến Hầu, Nùng Chí Trung, ngày đêm mưu vào cướp phá. Một buổi chiều, [Trí Cao cho] đốt sạch sào huyệt, lừa dối bảo thuộc hạ rằng:
– Bình sinh [uất ức] đã tích tụ, nay thiên tai thiêu hủy hoạn nạn, không còn gì để sống, kế cùng rồi. Cần phải đánh chiếm Ung Châu, chiếm cứ Quảng Châu làm Vương; nếu không thì chết cả lũ
Sau đó Vào ngày này, mang 5.000 quân xuôi dòng sông Uất tiến sang hạ lưu phía Đông, đánh chiếm trại Hoành Sơn [phía Tây Ung Châu]. Các quan tướng [ nhà Tống] gồm trại chủ là Hữu thị cấm Trương Nhật Tân, Ung Châu Đô tuần kiểm, tả ban điện trực là Cao Sĩ An, Khâm Hoành châu đồng tuần kiểm hữu ban điện trực là Ngô Hương đều tử trận.
Ngày sóc [mồng một] Ất Tỵ tháng 5 [31/5/1052]. Nùng Trí Cao đánh chiếm Ung Châu, bắt sống các quan tướng [ nhà Tống] gồm Tri châu Bắc tác phòng sứ là Trần Củng, Thông phán điện trung thừa Vương Càn Hữu, Quảng Tây đô giám lục trạch sử Trương Lập
Sau khi Trí Cao chiếm được Ung Châu, lập nước ngụy Đại Nam 大南 國, tiếm xưng hiệu là Nhân Huệ Hoàng Đế 仁惠皇帝, cải niên hiệu Khải Lịch 啟曆, tuyên bố xá tội, bọn Hoàng Sư Mật trở xuống đều được ban chức quan giống như Trung Quốc (chỉ nhà Tống).
Sau đó, Trí Cao liên tục chiếm giữ liên tục đánh phá 9 châu: Hoành, Quí, Cung, Tầm, Đằng, Ngô, Phong, Khang, Đoan trong vòng hơn 1 tháng, là một cuộc hành quân nhanh chóng như qua chỗ không người.
8/6/1052, Nùng Trí Cao chiếm Hoành Châu [huyện hoành, Quảng Tây], Tri châu, Điện trung thừa Trương Trọng Hồi, Giám áp đông đầu, cung phụng quan Vương Nhật Dụng đều bỏ thành chạy
11/6/1052, Trí Cao vào chiếm Quí Châu [huyện Quí, Quảng Tây]; Tri châu, Bí thư thừa Lý Cư bỏ thành chạy.
15/6/1052, Nùng Trí Cao vào chiếm Cung Châu [huyện Bình Nam, Quảng Tây], Tri châu, Điện trung thừa Trương Tự bỏ thành chạy.
16/6/1052, vào Đằng Châu [huyện Đằng, Quảng Tây], rồi vào Ngô Châu [ đều ở Quảng Tây], Phong Châu [Phong Khai, Quảng Tây]
17/6/1052, quân Trí Cao vào đánh Khang Châu, viên Tri châu Thái tử hữu tán thiện đại phu Triệu Sư Đán , Giám áp hữu ban điện trực Mã Quí đều chết. Sư Đán và con đều bị chết
18/6/1052, quân Trí Cao vào Đoan Châu [Triệu Khánh, Quảng Đông], viên tri châu, Thái thường bác sĩ Đinh Bảo Thần bỏ thành chạy.
Tuy nhiên cuộc hành quân của Trí Cao dừng lại sau khi vây hãm không thành công thành Quảng Châu trong 57 ngày, buộc phải rút ngược về Ung Châu. Trên đường trở về Ung Châu, Trí Cao cũng liên tục cướp phá các châu quân và giết được rất nhiều viên quan nhà Tống.
21/6/1052, Nùng Trí Cao bắt đầu vây Quảng Châu, vây 57 ngày, rồi biết rằng không lấy được thành, đến ngày 16/8/1052 bèn bỏ đi, đến huyện Thanh Viễn [Quảng Đông] Gặp Đô giám Quảng Đông Trương Trung tại Bạch Điền, Trung đánh thua, bị giết. Tuần kiểm Kiền Châu [Giang Tây] Đổng Ngọc , Tuần kiểm Khang Châu [Quảng Đông] Vương Ý, Tuần kiểm Liên Châu [Quảng Đông] Trương Tú, Tuần kiểm Hạ Châu Triệu Duẫn Minh, Giám Áp Trương Toàn, Ty lý tham quân Đặng Miện đều bị tử trận cả.
Ngày 1/10/1052, Nùng Trí Cao giết Quảng Nam kiềm hạt Tưởng Giai tại bãi [chiến trường] Thái Bình [Quảng Tây], Trang trạch Phó sứ Hà Tông Cổ, Hữu thị cấm Trương Đạt, Tam ban phụng chức Đường Hiện đều tử trận.
Ngày 13/10/1052, Nùng Trí Cao đánh phá Chiêu Châu, Tri châu Liễu Ứng Thần bỏ thành chạy. Lạc uyển sứ Quảng Tây kiềm hạt Vương Chính Luân giao chiến với giặc tại trạm dịch Quan Môn, tử trận. Đông đầu cung phụng quan, Hạp môn chi hầu Vương Tòng Chính; Tam ban phụng chức Từ Thủ Nhất ; Tá chức Văn Hải đều bị giết hại hết. Núi trong châu có mấy hang động, có thể chứa vài trăm người; dân chúng thấy giặc đến bèn chui vào trốn, bị giặc đốt chết. Lúc giặc mới bắt Tòng Chính, Chính chửi giặc không ngừng, giặc lấy nước sôi đổ vào mồm vẫn chửi, bất khuất nên bị giết.
Ngày 30/10/1052, Nùng Trí Cao đánh Tân Châu [Tân Dương, Quảng Tây, phía đông đông bắc Ung Châu trên 60 km], Tri châu Quốc tử giám bác sĩ Trình Đông Mỹ bỏ thành chạy trốn.
Đến lúc này triều đình nhà Tống mới có những hành động nghiêm túc hơn trong việc đánh dẹp Trí Cao
Ngày 23/10/1052, nhà Tống phong Địch Thanh (1 danh tướng bấy giờ) mang quân đến đánh Trí Cao. Đến ngày Canh Thìn [2/11/1052], Địch Thanh từ-giã kinh đô (nhà Tống)
Về phía Trí Cao, “Nhân Huệ hoàng đế” đã chiếm lại thành Ung Châu sau khi cướp bóc hàng loạt châu quân trên đường rút khỏi Quảng Châu
Ngày 6/11/1052, Nùng Trí Cao trở lại chiếm (lại) thành Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây], Tri châu Lễ tân sứ Tống Khắc Long bỏ thành chạy.
Giai đoạn này, phía Đại Cồ Việt cũng có ý muốn giúp binh nhà Tống:
Ngày 9/1/1053, Tri Quế Châu là Dư Tĩnh tâu lên: …[Đại Cồ Việt] mấy lần gửi văn thư xin hội binh đánh giặc [Nùng Trí Cao], nhưng đã lâu triều đình [nhà Tống] không đáp.
Ban đầu, nhà Tống định đồng ý, tuy nhiên Địch Thanh đã can ngăn rằng:
Chỉ một mình Trí Cao dày xéo 2 xứ Quảng [Quảng Đông, Quảng Tây] lực không dẹp được; lại thêm quân lính của Man (chỉ Đại Cồ Việt). Người Man tham được lợi, quên nghĩa; nếu chúng nhân đó mà khởi loạn, ta lấy gì chống cự đây! Xin bãi quân Giao Chỉ (Đại Cồ Việt) đừng dùng
Về phía Trí Cao, sau khi chiếm lại Ung Châu thì củng cố lực lượng với ý định chiếm Quảng Châu. Tuy nhiên lúc này viên danh tướng Địch Thanh đã đến. Trận quyết chiến diễn ra long trời lở đất:
Ngày 7/2/1053 Địch Thanh án binh bất động, rồi ra lệnh điều động khoảng 10 ngày lương;quân do thám giặc (Nùng Trí Cao) quay về cũng không đoán được, ngay cả quân dưới quyền không biết được ý định của chủ tướng như thế nào.
Ngày hôm sau ra lệnh tiến quân, Thanh đi theo đội tiền quân, Tôn Miện đội thứ hai, Dư Tĩnh theo hậu quân; buổi chiều đến ải Côn Lôn (là một quan ải vùng núi Ngũ Lĩnh). Sáng hôm sau, cho chỉnh trang chuẩn bị cờ xí chiêng trống của các viên đại tướng, các tướng đứng xung quanh trướng đợi lệnh xuất phát. Thanh mặc thường phục giống như đồng đội, cùng quân tiên phong vượt quan ải; đốc thúc các tướng họp nhau ăn tại ngoài quan ải, tới gần phố Qui Nhân bày trận.
Ngày 8/2/1053, giặc (quân Nùng Trí Cao) điều động đại quân, dàn trận thành 3 mũi tinh nhuệ đến đánh quan quân; quân giặc dùng dùng đại thuẫn, thương dài, y phục binh giáp màu đỏ thẫm, trông xa giống như lửa.
Hai bên giáp chiến, đội tiền phong [quân Tống bị tấn công mạnh nên] hơi nhụt lùi về… Khí thế giặc ngút trời, quân tinh nhuệ lớp lớp… Địch Thanh đứng lên, cầm cờ trắng vẫy kỵ binh người Phiên tại 2 cánh phải, trái. Quân kỵ trang bị cung nỏ xuất hiện đánh vào phía sau lưng giặc, rồi từ phía trái đánh sang phải, lại từ phải đánh sang trái; rồi tiếp tục phía phải đánh sang trái, phía trái đánh sang phải; giặc không chống cự được, đại bại bỏ chạy. Nùng Trí Cao lại chạy gấp về Ung Châu, quân nhà vua truy đuổi 50 dặm, chém được 2.200 thủ cấp. Bọn đồ đảng Hoàng Sư Mật,Nùng Kiến Trung, Nùng Trí Trung, cùng quan ngụy 57 người chết; bắt sống hơn 500 giặc. Trí Cao trong đêm đốt thành rút lui,theo sông Hợp Giang vào nước Đại Lý.
Năm 1055, Nùng Trí Cao bị giết tại Đại Lý, nước này mang thi hài Trí Cao nộp cho nhà Tống
IV. Bàn về đội quân Nùng Trí Cao.
- Quy mô và lực lượng đội quân Nùng Trí Cao
Về quy mô, qua sự kiện “(Nùng Trí Cao) mang 5.000 quân xuôi dòng sông Uất tiến sang hạ lưu phía Đông, đánh chiếm trại Hoành Sơn [phía Tây Ung Châu]”, có thể thấy quy mô lúc khởi sự của đội quân này khoảng 5000 người, chủ yếu là thủy quân, nhưng về sau có thể tăng lên.
Có thể làm phép so sánh tương quan quy mô đội quân Nùng Trí Cao với nhà Tống qua sự kiện Trường Biên chép“Trần Thự sợ Địch Thanh một mình lập công, thừa lúc lúc Thanh chưa đến, mang 8000 quân bộ đi đánh giặc, thua thảm tại ải Côn Lôn”, hay phía Đại Cồ Việt xin giúp “5 vạn quân và 1000 kỵ binh” (Tống Sử chép là 2 vạn). Địch Thanh mang khoảng 3 vạn quân đi đánh Nùng Trí Cao. Như vậy, về sau đội quân của Nùng Trí Cao có thể lên đến khoảng 2 vạn người.
2 vạn người gồm thành phần thủy quân chủ lực và tân binh chiêu mộ.
- Đường hành quân của Nùng Trí Cao.
Hành quân của Nùng Trí Cao chủ yếu là đường thủy, khởi sự tại Cao Bằng tiến đánh chiếm Ung Châu rồi tiến sang Quảng Châu. Xét địa hình Cao Bằng và vùng Ung-Quảng, có một đường thủy liền mạch nối thẳng từ Quảng Nguyên đi qua Ung Châu và tiến thẳng đến Quảng Châu là đi từ sông Bằng, đến ngã ba sông Kỳ Cùng thì rẽ sang sông Tả đến thẳng Ung Châu, rồi theo sông Hữu đến thẳng Quảng Châu.
- Chiến thuật của Trí Cao
Theo tôi, chiến thắng ban đầu của Trí Cao nằm ở 3 nguyên nhân: sự bất ngờ, chiến thuật vừa tiến vừa đánh và đội ngũ tình báo
Trí cao hành quân thần tốc và đánh chiếm bất ngờ khiến vùng Ung-Quảng không kịp phòng bị. Thời gian di chuyển nhanh chóng: ngày 31/5/1052 đánh chiếm Ung Châu thì đến 21/6/1052 đã bao vây Quảng Châu. Vỏn vẹn có hơn 21 ngày, trong khi đi từ Ung Châu đến Quảng Châu đã “tranh thủ ”đánh chiếm 9 châu huyện của nhà Tống. Sự cơ động và bất ngờ dựa vào đội ngũ thủy quân mạnh đã giúp Trí Cao đi vào đất Tống “như chỗ không người”.
Trí Cao cũng dùng chiến thuật chiến tranh phá hoại, vừa tiến vừa đánh, vừa đánh vừa tăng quân. Số lượng quân Trí Cao không đủ để đánh xong 1 thành trì thì để lại quân giữ thành, mà cướp phá lương thực, bổ sung binh lực bỏ thành để tiến tiếp, như thế vừa giữ được 1 lực lượng mạnh, vừa có đủ lương thực tiền bạc, lại không phí sức giữ thành.
Theo tôi, đội ngũ tình báo của Trí Cao cũng rất tốt. Một đội quân cả vạn người đi theo đường thủy trong hơn 20 ngày, liên tục đánh chiếm các châu quận, mà không có châu quận nào có sự phòng bị, đến nửa năm sau triều đình nhà Tống mới thực sự có hành động mạnh tay để trấn áp.
- Có hay không sự giúp sức của Đại Cồ Việt?
Về lập trường của Đại Cồ Việt, sách Trường Biên chép việc nhà Lý xin giúp 5 vạn quân và 1000 kỵ binh để cùng đánh Nùng Trí Cao, tuy nhiên ĐVSKTT lại chép việc nhà Lý định ra quân cứu viện Trí Cao nhưng chưa kịp làm gì thì Trí Cao đã để thua Địch Thanh: “Mùa đông, tháng 10, Trí Cao sai Lương Châu đến xin quân [cứu viện]. Vua (Lý Thái Tông) xuống chiếu cho chỉ huy sứ là Vũ Nhị đem quân cứu viện. Địch Thanh lại đánh phá được Trí Cao. Trí Cao chạy sang nước Đại Lý”
Theo tôi, nhà Lý rất có thể dính líu đến việc này bởi mấy lý do:
Thứ nhất: trước năm 1052, Nùng Trí Cao đã nổi dậy làm phản vào năm 1041 và 1048 nhưng nhà Lý đánh dẹp rất dễ dàng. Vậy mà lần này lại ngồi yên nhìn Trí Cao đánh phá nhà Tống. Nhà Lý cũng không coi Nùng Trí Cao là phản tặc, vì nếu Trí Cao được coi là phản tặc thì không thể nào được dựng đền thờ và phong thần.
Thứ hai: thời nhà Đinh-Lý-Trần mạnh nhất về thủy chiến, các chiến tích lẫy lừng của nước ta đều diễn ra trên sông (Bạch Đằng, Như Nguyệt…). Việc một đội quân địa phương có đến 5000 thủy binh tinh nhuệ, thuyền bè, lương thực đủ để đánh chiếm cả vùng Ung Châu trong khi phía Đại Cồ Việt không biết gì hay không giúp gì thì thật là tài tình.
Thứ ba: có thể phía nhà Lý có một mưu đồ chính trị rất lớn trong việc Nùng Trí Cao. Nhà Lý muốn có một vùng đệm, là tiểu quốc nằm giữa Tống-Việt và có tư tưởng cừu địch với nhà Tống, nhằm ngăn chặn sức ảnh hưởng của nhà Tống đến Đại Cồ Việt. Cho nên ra sức giúp Nùng Trí Cao và dân tộc Tráng đứng lên đánh chiếm vùng Ung-Quảng.
V. Quan hoàng bát Nùng trong văn hóa đạo Mẫu.
Trong tín ngưỡng người Việt Nam nói chung và người Tày-Nùng nói riêng, Nùng Trí Cao có một vai trò tâm linh rất lớn, là biểu tượng của sự khao khát tự do cho tộc người Tráng-Tày-Nùng.
Các triều đại phong kiến Việt Nam đã có sắc phong Nùng Trí Cao làm “Khâu sầm đại vương”. Hiện nay có đề Kỳ Sầm thờ Nùng Trí Cao trên Cao Bằng, là một đền thờ quan trọng cùng lễ hội lớn bậc nhất vùng bắc cương này. Nhân dân vẫn coi Nùng Trí Cao là một danh tướng thời Lý, đánh bại quân Tống, qua những câu chuyện truyền miệng.
Trong tính ngưỡng Đạo Mẫu, Nùng Trí Cao được người đời tin rằng chính là giáng thế của “quan hoàng bát Nùng”, nằm trong tứ phủ thập vị quan hoàng, với những lời hát văn ca ngợi hết sức vẻ vang:
Gương anh dũng ngàn xưa lưu để
Đất Cao Bằng tú khí chung linh
Trời Nam có đức thánh linh
Họ Nùng đệ bát hùng anh tuyệt vời .
Giận bạo chúa bao đời áp bức
Thù ngoại xâm Tống giặc cường hung
Thề rằng không đội trời chung,
Tuốt gươm quét sạch thù trong giặc ngoài
Thật hay và thật thú vị khi tín ngưỡng người đời và sự thật trong lịch sử lại hoàn toàn khác nhau. Nhưng biết sao bây giờ, sử thì có thể sai hay đúng, nhưng dân đã tôn thờ thì chẳng bao giờ sai. Và đây cũng là một nét đẹp rất thiêng liêng của người Việt ta, bao dung và trân quý những niềm tin cộng đồng.
… còn tiếp…