I. Loạn tam vương
Loạn tam vương là sự kiện lớn, được chính sử ghi lại, diễn ra vào năm 1028 sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà. Sự kiện kể về quá trình Thái tử Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái tông) cùng quần thần chống lại và giành chiến thắng trước sự uy hiếp của 3 tông thất là Vũ Đức Vương, Đông Chinh Vương, Dực Thán Vương. Binh biến kết thúc bằng việc Lê Phụng Hiểu chém đầu Vũ Đức Vương và sự quy hàng của Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương.
Sự kiện được ĐVSKTT ghi lại khá kỹ càng, nhưng mình xin được trích ý chính như sau:
“Mậu Thìn, [Thuận Thiên] năm thứ 19 [1028]…Tháng 3…vua (Lý Thái Tổ) băng ở điện Long An, Bề tôi đều đến cung Long Đức xin thái tử (Lý Phật Mã – Lý Thái Tông) vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương là Đông Chinh [Lực], Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Một lát sau, thái tử từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên, biết có biến, sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai các vệ sĩ trong cung phòng giữ…Khi ấy phủ binh của ba vương vây bức càng gấp, Thái tử liệu không thể ngăn được, nói: “Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy ba vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục đứng hầu Tiên đế, ngoài ra đều ủy cho các khanh cả”. Bọn Nhân Nghĩa đều lạy hai lạy nói: “Chết vì vua gặp nạn là chức phận của bọn thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa!” Bèn ra lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng vui lòng xông pha, đều là một người địch với trăm người. Quân đánh nhau chưa phân được thua, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc hô to rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngắp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng”. Rồi xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của ba vương thua chạy. Quan quân đuổi theo chém giết không sót một mống, chỉ có hai vương Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được … Ngày Kỷ Hợi, Thái tử Phật Mã lên ngôi trước linh cữu. Đại xá thiên hạ. Ngày ấy, hai vương Đông Chinh và Dực Thánh đến cửa khuyết xin chịu tội. Xuống chiếu tha cho, lại cho tước như cũ”
ĐVSKTT – loạn tam vương
Nếu chỉ nhìn với góc độ sự kiện, loạn tam vương cũng chỉ là một sự kiện khá bình thường trong sự chanh chấp quyền lực ở các triều đại Việt Nam cũng như trên Thế giới. Tuy nhiên nếu nhìn vào tình hình quốc gia trong vòng 100 năm trước thì loạn tam vương chính là một thử thách lớn của nền độc lập, ổn định của dân tộc Việt.
II. Tầm quan trọng của việc dẹp yên loạn tam vương
Cùng điểm lại 1 giai đoạn lịch sử của Đại Việt để hiểu hơn về tầm quan trọng của sự kiện này.
Thời kỳ Ngũ đại thập quốc (907-979) đã xé nát đế chế nhà Đường (Trung Quốc) vĩ đại thành các nước nhỏ, liên tục thôn tính lẫn nhau suốt hơn 70 năm. Ở phương Nam xa xôi, năm 907, Khúc Hạo dấy binh chiếm giữ vùng Giao Châu, tự xưng là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, tuy bề ngoài thì lệ thuộc vào nhà Hậu Lương (Trung Quốc), nhưng thực tế đã tách hẳn thành một vùng tự trị. Ánh sáng độc lập đã bừng lên sau đêm trường Bắc thuộc.
Các quốc quân liên tục tục nối nhau trị vì vùng Giao Châu (sau là Đại Cồ Việt). Từ Khúc Hạo (907) đến trước thời Lý Thái Tổ (1009), đất nước đã độc lập được hơn 100 năm. Tuy nhiên thời kỳ loạn lạc, sự phế-lập diễn ra liên miên, không giai đoạn nào, ngôi quân chủ truyền được quá 2 đời liên tiếp.
- Họ Khúc làm chủ đất nước được 2 đời: Khúc Hạo (907-917), Khúc Thừa Mỹ (917-923). Sau đó bị nhà Nam Hán đưa quân đánh bại.
- Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán năm 923, tự lập làm Tiết độ sứ.
- Năm 937 Kiều Công Tiễn giết hại Dương Đình Nghệ, tự mình cai quản Giao Châu.
- Năm 938 Ngô Quyền dấy binh giết chết Kiều Công Tiễn
- Năm 944, Dương Tam Kha giết Ngô Quyền tự lập làm vua.
- Năm 950 con Ngô Quyền là Ngô Xương Văn đánh bại Dương Tam Kha. Ngô Xương Văn mất năm 954, Ngô Xương Ngập lên ngôi
- Năm 965 thì Ngô Xương Ngập chết trận. Nhà ngô suy yếu đi chỉ còn là 1 cánh quân trong loạn 12 sứ quân.
- Đinh Tiên Hoàng dẹp 12 sứ quân (967-968), lên ngôi Hoàng đế, sánh ngang với nhà Tống. Tuy nhiên đến năm 979 thì bị Đỗ Thích ám sát. Con trai Đinh Toàn 8 tuổi, không đảm đương nổi đất nước, nhường ngôi cho Lê Hoàn năm 980.
- Lê Hoàn trị vì đất nước từ 980 đến 1005 thì băng hà, sau 8 tháng các hoàng tử tranh giành nhau, đất nước vô chủ. Cuối cùng Lê Ngọa Triều lên ngôi nhưng đến 1009 thì băng hà. Đất nước một lần nữa đổi chủ. Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) lên ngôi Hoàng Đế, mở ra thời kỳ nhà Lý. (Lê Trung Tông làm vua được 3 ngày nên mình xin phép không tính là 1 đời)
Trong hơn 100 năm, liên tục đất nước 9 lần đổi họ quân chủ. Đến thời Lý, Lý Thái Tổ làm vua được 19 năm (1009-1028), Thái Tử Lý Phật Mã chưa kịp kế vị thì xẩy ra loạn tam vương.
Đây là một biến cố lớn cả về quy mô, tính chất nguy hiểm và ý nghĩa lịch sử. Loạn tam vương xẩy ra ngay tại cấm thành Thăng Long, sát sườn vị vua kế vị, huy động sự tham gia của 3 vị tông thất nhà Lý. Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Vũ Đức vương đều là những người từng trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn thời vua Lý Thái tổ. Nếu loạn tam vương thành công, vị vua kế vị bị hạ bệ, thì ai sẽ là người bước lên ngôi hoàng đế, Đông Chinh, Dực Thánh hay Vũ Đức và còn Khai Quốc vương ở phủ Trường Yên? Đất nước rất có thể tiếp tục xẩy ra nội chiến giành hoàng vị, và rốt cuộc sẽ lại nối gót các triều đại trước, không truyền quá 2 đời. Tương lai nước Đại Cồ Việt sẽ đi về đâu? Sẽ lại có 1 loạn 12 sứ quân giống như sau khi vua Ngô – Nam Tấn Vương chết trận, hay 8 tháng đất nước vô chủ như sau khi vua Lê Đại Hành qua đời, hay quân Tống một lần nữa mang quân sang xâm lược như sau khi Đinh Tiên Hoàng bị ám sát?
Tất cả những trường hợp đó đều là những điều mà không người dân nước Việt nào mong muốn. Nhân dân đã chịu đựng 1000 năm đô hộ, 100 năm binh biến triền miên với 9 lần đổi chủ. Cái giá của sự độc lập phải là một cuộc sống hòa bình. Nếu cứ tiếp tục binh biến, đất nước lần thứ 10 đổi chủ thì người dân sẽ chẳng thể thấy được ý nghĩa của một quốc gia của riêng mình.
Rất may, loạn tam vương đã thất bại, nhà Lý cũng như nước Việt đã trải qua “kiếp nạn thứ 81” để bắt đầu một vương triều ổn định, lâu dài đầu tiên trong lịch sử khi truyền đến 9 đời vua với tổng cộng 215 năm.
III. Ai là chủ mưu loạn tam vương?
Trước tiên nói về thân thế của tam vương. Đông Chinh Vương tên Lực, là con trai của Lý Thái Tổ, em của Lý Thái Tông. Dực Thánh Vương có nguồn ghi là con trai, có nguồn ghi là em trai của Lý Thái Tổ. Vũ Đức Vương không rõ thân thế như thế nào, nhưng được phong vương thì không anh em thì cũng là con cái của vua Lý Thái Tổ. 3 vương được ghi nhiều trong chính sử đều có khả năng quân sự khi được Lý Thái Tổ trọng dụng giao quyền đánh dẹp các trận đánh lớn:
“Giáp Dần, [Thuận Thiên] năm thứ 5 [1014] Mùa xuân, tháng giêng, tướng của người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man (Đại Lý) vào cướp…Vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, chém đầu kể hàng vạn, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết
Ất Mão, [Thuận Thiên] năm thứ 6 [1015]…xuống chiếu cho Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đi đánh các châu Đô Kim2, Vị Long, Thường Tân, Bình Nguyên, bắt được thủ lĩnh là Hà Án Tuấn đem về kinh sư chém đầu bêu ở chợ Đông.
Nhâm Tuất, [Thuận Thiên] năm thứ 13 [1022], Xuống chiếu cho Dực Thánh Vương đi đánh Đại Nguyên Lịch
Đinh Mão, [Thuận Thiên] năm thứ 18 [1027], Mùa thu, tháng 8, Đông Chinh Vương [Lực] đi đánh Văn Châu”
Trích ĐVSKTT
3 vị tông thất trên, đều là những người cầm đầu binh biến loạn tam vương, nhưng trong sử không chép rõ ai là chủ mưu sự kiện này. Chắp vá một số sự kiện, mình cũng có được sự suy đoán của riêng mình.
Trong lúc xẩy ra binh biến tại cấm thành Thăng Long và việc Khai Quốc Vương làm phản có chép tình tiết:
“…Quân đánh nhau chưa phân được thua, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc hô to rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngắp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng” Rồi xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của ba vương thua chạy. Quan quân đuổi theo chém giết không sót một mống, chỉ có hai vương Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được”
“Khai Quốc Vương làm phản. Trước vương đóng ở phủ Trường Yên, cậy có núi sông hiểm trở, tụ tập những kẻ trốn tránh, cướp bóc dân mọn, Thái Tổ không hề hay biết, nuôi thành tội ác. Đến khi nghe Thái Tổ băng, Vũ Đức Vương bị giết, lòng càng bất bình, bèn đem phủ binh làm phản.”
Như vậy trong loạn tam vương, Lê Phụng Hiểu có nói rõ là bọn Vũ Đức Vương làm phản, và chỉ chém chết một mình Vũ Đức Vương. Đồng thời khi Vũ Đức Vương bị chém chết thì cả Dực Thánh và Đông Chinh và quân biến loạn đều tan vỡ.
Việc Vũ Đức Vương bị giết cũng đánh động đến một vị phiên vương là Khai Quốc Vương đóng quân tại vùng Hoa Lư cũng nổi dậy làm phản.
Như vậy, theo suy đoán của cá nhân mình, Vũ Đức Vương là một người rất có thế lực trong quân, rất có uy tín trong gia tộc, và là thành phần quan trọng nhất trong loạn tam vương. Và đương nhiên, là người thèm khát nhất ngôi báu, và cũng chính là người chủ mưu của loạn tam vương.
IV. Lý Thái Tông biết trước loạn tam vương?
Sử chép thì thấy binh biến của 3 vị tông thất diễn ra khá bất ngờ và việc Lý Thái Tông chống trả cũng khá bị động. Nhưng theo mình Lý Thái Tông đã biết trước việc này và mọi đường đi nước bước, kể cả cái chết của Vũ Đức Vương cũng có thể đã được lên kế hoạch.
- Thứ nhất: “Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua (Lý Thái Tông) chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm”. Như vậy sử đã công nhận Lý Thái Tông biết trước và có phòng bị. Việc thần Đồng Cổ báo mộng có thể là thật, nhưng cũng có thể là một tình tiết thần bí được thêm vào để người đời thấy rằng ngôi vua của Thái Tông là chính danh được trời-người ủng hộ. Ngoài ra, 3 vương tập hợp quân đội tại Thăng Long cũng như mang quân tiến vào kinh thành, việc làm ngay dưới chân thiên tử, chẳng lẽ đội ngũ trinh thám của triều đình lại bỏ qua được những việc mồn một này?
- Thứ hai: Đã là biết trước, nhưng thái độ của Lý Thái Tông lại rất “lưỡng lự” khi xuất quân giao chiến, cùng một một loạt các câu đối đáp hết sức “sách vở” với Lê Phụng Hiểu và Lý Nhân Nghĩa. Và rồi khi giao chiến thì Lê Phụng Hiểu một mạch vác gươm đến chém chết Vũ Đức vương chứ không phải 2 vương kia. Sự thật thì ngay khi Vũ Đức vương chết, loạn tam vương cũng kết thúc bằng việc Đông Chinh và Dực Thánh tháo chạy.
Tất nhiên đó chỉ là suy đoán của mình dựa trên những dữ kiện lịch sử và chút logic mù mờ, mong được bạn đọc tham luận thêm.
V. Lời kết
Các bạn thân mến, loạn tam vương là một sự kiện binh biến tranh đoạt vương vị lớn nhất cũng như duy nhất dưới thời Lý. Theo mình, đó như là một thử thách cuối cùng cho sự ổn định vị trí quân chủ cho nước Việt. Sau loạn tam vương, triều Lý được duy trì ổn định và phát triển, đặt nền móng vững chắc và mở đầu cho ngàn năm lịch sử với các triều đại lâu dài, thịnh trị.
Bài viết của mình hôm nay xin được kết thúc
Cám ơn các bạn đã quan tâm và dành thời gian cùng đọc
Thân ái và tạm biệt
TTDN_23/02/2024