Thưa các bạn, biến cố “Đỗ Thích thí Đinh – Đinh” (Đỗ Thích giết 2 người họ Đinh) gây ra cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng và người con trai trưởng Đinh Liễn, là một biến cố lịch sử có sức ảnh hưởng lớn và nổi tiếng diễn ra năm Thái Bình thứ 10 (979), kéo theo hệ quả là sự sụp đổ của nhà Đinh (năm 980)-. Sử chép về sự kiện này như sau:
“Kỷ Mão, Thái Bình năm thứ 10 [979]… Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua (Đinh Tiên Hoàng) ở sân cung… Trước đó Đỗ Thích đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn”
ĐVSKTT,Bản Kỷ ,Quyển I, Kỷ nhà Đinh
Trước khi đi sâu vào biến cố trên, mình muốn dành một nửa thời lượng của blog để gửi đến các bạn chân dung của một trong hai nạn nhân của vụ án “Đỗ Thích thí Đinh Đinh”, một nhân vật mà theo mình, ít được nhắc đến trong lịch sử hơn người cha Đinh Tiên Hoàng của mình, nhưng lại có đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp thống nhất 12 sứ quân của vua cha. Nhân vật lịch sử này cũng có số phận hết sức đặc biệt với đủ thăng – trầm, đắng – cay, vinh quang – nước mắt, đó chính là Nam Việt Vương – Đinh Liễn.
I. Nam Việt Vương – Đinh Liễn
1. Thuở nhỏ bị làm con tin
Giai đoạn 944-951 dưới thời nhà Ngô, Đinh Bộ Lĩnh chiếm giữ và củng cố thế lực tại vùng Hoa Lư – Ninh Bình để mưu việc lớn, Đinh Liễn được sinh ra trong thời gian này. Nhưng do thế lực của mình còn yếu, chưa muốn đối đầu với quân triều đình, để bảo toàn lực lượng, Đinh Bộ Lĩnh buộc phải đưa đứa con nhỏ Đinh Liễn vào triều làm con tin.
Thời gian làm con tin, không phải là thời kỳ yên bình, mà là thời kỳ sống giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Bất cứ hành động nào của Đinh Bộ Lĩnh cũng có thể gây ra cái chết cho cậu bé Liễn.
Sử chép lại một sự kiện diễn ra giai đoạn Liễn làm con tin như sau:
“[Tân hợi-951] Bấy giờ người động Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh cậy núi khe hiểm cố, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân. Liễn đến, hai vương trách tội [Bộ Lĩnh] không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo đi đánh. Hơn một tháng, không đánh nổi, bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói: “Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?”. Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn. Hai vương kinh sợ: “Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì”. Bèn không giết Liễn mà đem quân về”
ĐVSKTT, ngoại kỷ, quyển 5, Hậu Ngô Vương
Hành động của Đinh Bộ Lĩnh trong sự kiện năm 951 gợi cho mình nhớ tới câu chuyện của Hán Cao Tổ – Lưu Bang vào năm 203 khi Hạng Vũ bắt cha mình là Lưu Thái Công để đe dọa, đã thẳng thừng nói:
Ta và Hạng Vũ … đã “giao ước làm anh em”, cha ta tức là cha ngươi, ngươi muốn nấu cha ngươi thì chia cho ta một bát canh với!
Đinh Bộ Lĩnh cố ý làm theo Lưu Bang hay không, Đinh Liễn không bị giết sau khi hứng “cơn mưa tên” từ chính cha mình là do may mắn, hay đơn giản cậu bé vẫn còn những “giá trị” nhất định nên chưa phải chết, mình không dám bàn. Điều mình muốn nói đến là cảm giác của một người con, một cậu bé còn chưa hiểu hết chuyện đời trong hoàn cảnh ấy, sau khi bị treo lên và hứng rừng tên bão đạn từ chính người cha mà cậu bé tin tưởng là gì? Theo mình đó là sự lo sợ, hoảng loạn tột độ, và sau cùng là sự tuyệt vọng. Nó như một cú sốc đầu đời vậy!
Thời kỳ Đinh Liễn làm con tin khá dài, mãi đến năm 965, khi vua Ngô đưa Đinh Liễn đi đánh giặc ở Thái Bình, Ngô Vương bị trúng tên chết, cậu bé Đinh Liễn ngày nào, nay đã tuổi đôi mươi, mới trốn được về Hoa Lư. Từ năm 951 đến 965, tổng là 14 năm, quãng thời gian rất dài, sử chỉ chép lại 1,2 dòng ngắn ngủi với những con số khô khan, nhưng khi bình tâm tưởng tượng, cùng với câu chuyện năm 951 kể trên, mình tin rằng đây là một quãng thời gian “nay sống mai chết” của Đinh Liễn. Nhưng có lẽ những trải nghiệm trong 14 năm “trưởng thành giữa lòng địch” cũng chính là những bài học thực tế, bất đắc dĩ, nhưng đắt giá để tôi đúc nên tính cách khéo léo, tự lập, mạnh mẽ, lạnh lùng cho cậu bé Liễn ngày nào.
Khi ra đi là một cậu bé, khi trở về đã trở thành một đấng nam nhi. Sử không chép lại cảnh hội ngộ giữa Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn, nhưng theo mình sẽ phải mất rất lâu để 2 cha con nhận ra nhau.
2. Cùng cha dẹp loạn 12 sứ quân
Đinh Liễn trở về Hoa Lư năm 965, cũng chính là năm bắt đầu xẩy ra loạn 12 sứ quân. Các bộ sử không ghi chép cụ thể hành tung của Đinh Liễn, nhưng theo An Nam Chí Lược, ĐVSKTT hay Cương Mục, giai đoạn này, Đinh Liễn theo cha và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân.
Qua một số tình tiết nhỏ trong ĐVSKTT và theo suy luận cá nhân của mình, trong giai đoạn 965 – 968, Đinh Liễn còn nhiều đóng góp rất chủ động hơn là chỉ việc theo cha cầm quân đánh trận.
- Vai trò chiêu mộ nhân tài:
ĐVSKTT chép về vua Lê Đại Hành có đoạn:
“Vua họ Lê, húy Hoàn, người Ái Châu (chưa rõ vùng này ở đâu, nhưng có lẽ là xung quanh khu vực Ninh Bình – Thanh Hóa)…đến khi lớn, đi theo Nam Việt Vương Liễn (tức Đinh Liễn)…giao cho trông coi 2000 binh sỹ, sau thăng lên thập đạo tướng quân…”.
ĐVSKTT, bản kỷ, kỷ nhà Lê, Đại Hành Hoàng Đế
Có 2 lý do khiến mình suy đoán Lê Hoàn (sau là vua Lê Đại Hành) được Đinh Liễn chiêu mộ giai đoạn dẹp loạn 12 sứ quân:
- Vì đây là giai đoạn mỗi sứ quân cần mở rộng quân số, việc tuyển quân được đẩy mạnh vào giai đoạn này, nên đích thân Đinh Liễn được cha tin tưởng giao nhiệm vụ tuyển quân
- Sử không chép về trận đánh nào của Đinh Tiên Hoàng sau khi lên ngôi, nên giai đoạn dẹp loạn 12 sứ quân là giai đoạn tốt nhất bộ hạ của ông có thể lập chiến công. Lê Hoàn sau này đứng đầu quân đội nhà Đinh, nên chắc hẳn nền tảng con đường quan lộ bắt đầu từ giai đoạn 965 – 968.
Từ phân tích dữ kiện Lê Hoàn đi theo Đinh Liễn, theo mình, Đinh Liễn đóng vai trò quan trọng trong việc chiêu mộ nhân tài, binh lính, góp phần nhanh chóng mở rộng quân đội của Đinh Bộ Lĩnh.
- Cùng vua cha, thực hiện kế chiêu hàng đối thủ thông qua hôn nhân.
“Ngô Nhật Khánh…cùng 12 sứ quân chiếm giữ một chỗ. (Đinh) Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ của Nhật Khánh…gả em gái của Nhật Khánh cho Nam Việt Vương Liễn”
ĐVSKTT, bản kỷ, kỷ nhà Đinh, Phế Đế
Sự kiện trên cho thấy, Đinh Liễn cũng sử dụng chính con đường hôn nhân của mình để chiêu hàng thành công sứ quân Nhô Nhật Khánh, góp phần quan trọng vào chiến tích dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh.
3. Nam Việt Vương
Năm 969, Đinh Bộ Lĩnh, giờ đây là Đại Thắng Minh Hoàng Đế của nước Đại Cồ Việt. Hoàng Đế phong cho người con trưởng Đĩnh Liễn tước Nam Việt Vương, dưới một người, trên vạn người, đứng đầu quần thần văn võ. Đây là một phần thưởng xứng đáng cho những gì Đinh Liễn trải qua và làm được từ lúc còn nhỏ đến khi cùng cha dẹp loạn 12 sứ quân.
Sử không chép cụ thể, nhưng qua những chi tiết chép lại thì giai đoạn này Đinh Liễn hoạt động khá năng nổ và đạt được những thành tích vô tiền khoáng hậu sau khi được vua cha giao chủ trì việc ngoại giao với nhà Tống. Đinh Liễn đã hoạt động tích cực, kết quả là lần đầu trong lịch sử, vua nước ta được nhà Tống sách phong tước Vương, thừa nhận nước ta là một quốc gia độc lập.
“Mong ngươi (ý nói vua nhà Tống nói với Đinh Tiên Hoàng) trường thọ, nhận sủng chương này. Khá ban cho: Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu Thái sư, phong Giao Chỉ Quận Vương”.
An Nam Truyện – Tống Sử
Khá thú vị trong giai đoạn này, Tống Sử chép lại sự kiện Đinh Tiên Hoàng đã nhường ngôi cho Đinh Liễn. Có lẽ đây chỉ hình thức giả nhường ngôi để Đinh Liễn làm chủ việc ngoại giao, đối đáp với nhà Tống của Tiên Hoàng nhưng mình cũng xin trích tư liệu này để các bạn tham khảo:
“…dân Giao Châu (chỉ Đại Cồ Việt)…bèn suy tôn Bộ Lĩnh làm Giao Châu soái, hiệu là Đại Thắng Vương, đặt con trai là Liễn làm Tiết độ sứ. Được 3 năm thì (Bộ Lĩnh) nhượng vị cho Liễn. Liễn lập được 7 năm…sai sứ đến (nhà Tống) cống phương vật, dâng biểu nội phụ”
An Nam Truyện – Tống Sử
Giai đoạn này, ai cũng nghĩ Đinh Liễn chính là người được chọn kế vị trong trường hợp Đinh Tiên Hoàng băng hà. Có lẽ Đinh Liễn cũng nghĩ thế và đã thực hiện các chiến lược chính trị để tạo vây cánh trong triều đình. Một tình tiết được nhắc đến trong ĐVSKTT là năm 971, Lê Hoàn được phong “Thập đạo tướng quân” nắm giữ binh quyền trong triều đình. Như mình nói ở trên, Lê Hoàn là người đi theo Đinh Liễn giai đoạn dẹp loạn 12 sứ quân. Việc người thân tín nắm giữ quân đội trong tay là một sự đảm bảo vững chắc vị trí của Đinh Liễn trong triều cũng như mở rộng tương lai kế vị của Nam Việt Vương.
Tưởng rằng mọi thứ đã an bài, nhưng một biến cố lớn xảy ra năm 979 làm sụp đổ tất cả tính toán của Đinh Liễn, Đinh Tiên Hoàng, cũng kéo đổ cả triều đại nhà Đinh. Vụ án: Đỗ Thích thí Đinh Đinh
Phần tiếp theo, mình xin gửi đến các bạn tình tiết trong vụ án Đỗ Thích thí Đinh Đinh, đồng thời cũng khắc họa những hình ảnh cuối cùng trong cuộc đời Nam Việt Vương – Đinh Liễn.
II. Đỗ Thích thí Đinh – Đinh
1. Giết Đinh Hạng Lang
Như đã nói ở trên, ai cũng nghĩ rằng Đinh Liễn chính là người tiếp theo làm chủ trời Nam, kế tục Đinh Tiên Hoàng Đế. Nhưng đột nhiên, Tiên Hoàng lại chỉ định một người kế vị làm cả lịch sử dân tộc bất ngờ:
“Mậu Dần, [Thái Bình] năm thứ 9 [978] …(Đinh Tiên Hoàng) lập con nhỏ là Hạng Lang làm hoàng thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ Vương”
ĐVSKTT – bản kỷ – kỷ nhà Đinh
Hành động Tiên Hoàng chọn người con nhỏ Đinh Hạng Lang làm người kế vị, “tước quyền thừa kế” của Đinh Liễn, như một gáo nước lạnh dội thẳng vào Nam Việt Vương. Kết quả là bi kịch đầu tiên xẩy ra:
“Kỷ Mão, [Thái Bình] năm thứ 10 [979], (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 4). Mùa xuân, Nam Việt Vương Liễn giết hoàng thái tử Hạng Lang”
ĐVSKTT – bản kỷ – kỷ nhà Đinh
Trước khi bàn đến hành động của Đinh Liễn, phải nhắc đến một hành động “kỳ lạ” của Đinh Tiên Hoàng. Mình đã thử ngồi đọc lại ĐVSKTT giai đoạn này, sử không chép cụ thể, nhưng từ một vài tình tiết nhỏ, kết hợp với suy luận cá nhân, có thể hành động của Tiên Hoàng xuất phát từ một hoặc tất cả lý do sau:
- Tuổi cao: Năm 978, Đinh Tiên Hoàng đã 54 tuổi, độ tuổi tương đối cao so với vị vua mà thời gian ngồi trên ngai vàng ít hơn ngồi trên lưng ngựa. (Để dễ hình dung, các vua gây dựng sự nghiệp qua con đường chinh chiến: Lê Lợi thọ 49 tuổi, vua Gia Long thọ 58 tuổi, vua Quang Trung thọ 39 tuổi). Có lẽ tuổi cao dẫn đến quyết định thiếu sáng suốt là một nguyên nhân dẫn đến hành động “kỳ lạ” của Tiên Hoàng.
- Sự tranh giành quyền lực của các phe phái: Như phân tích ở trên, Nam Việt Vương cùng Lê Hoàn đứng đầu phe “võ”, còn những phe phái khác trong triều đình như phe “tăng”, phe “văn”… Tiên Hoàng tuổi cao, có thể băng hà bất cứ lúc nào, chỗ dựa vững chắc hơn cả cho các “nhóm lợi ích” chính là vị Hoàng đế kế vị. Có lẽ nhân lúc Tiên Hoàng lớn tuổi, các phe phái khác đã dùng nhiều thủ đoạn, gây chia rẽ Tiên Hoàng và Nam Việt Vương mà lập Hạng Lang làm Thái tử.
- Giả thiết mang tính phiêu lưu: Mình cũng nghĩ ra một lý do hết sức “phim ảnh” như sau:
- Đinh Liễn, những năm Thái Bình (niên hiệu của Tiên Hoàng), nhờ nắm giữ quân đội (thông qua thân tín là Lê Hoàn), dường như đã nắm hết quyền hành, Hoàng Đế chỉ còn là hư danh. (Sự thực khi đọc ĐVSKTT, có cảm tưởng không có vai trò của Tiên Hoàng trên vũ đài chính trị mà thời kỳ trị vì của ngài, dường như là thời kỳ của Đinh Liễn, với những thành tích ngoại giao đặc biệt).
- Tiên Hoàng tuy muốn khôi phục quyền lực nhưng không thể làm được. Đến những năm cuối đời, phong con trai Hạng Lang làm Thái tử như một nỗ lực cuối cùng để tước đoạt tương lai và quyền hành của Đinh Liễn
- Cuối cùng Nam Việt Vương đã ra tay giết đi chính người em nhỏ của mình để đòi lại quyền lực.
Dù lý do là gì, việc làm của Tiên Hoàng cũng đã khiến Đinh Liễn hành động một cách rất “máu lạnh”, giết đi người em nhỏ của mình. Theo mình, mặc dù gây ra một bi kịch cung đình, nhưng cách hành xử của Nam Việt Vương lại rất dễ hiểu, bởi vì:
- Đòi lại những thứ thuộc về mình: Với bảng thành tích của mình, lại là con trưởng của Đinh Tiên Hoàng, việc kế vị là “hợp tình, hợp lý”. Việc Hạng Lang trở thành Thái tử, chính là tước đi quyền thừa kế của Đinh Liễn, cũng là tước đi mục tiêu chính trị suốt đời của Nam Việt Vương.
- Đảm bảo tương lai cho chính mình: Nếu nghe theo ý Tiên Hoàng, chọn Đinh Hạng Lang là người kế vị, với công trạng, quyền lực, quân đội trong tay, Đinh Liễn là một mối đe dọa lớn với vị vua tiếp theo. Nếu có đường cho Nam Việt Vương, thì chỉ có con đường chết mà thôi!
- Đảm bảo quyền lợi của phe quân đội: Nếu không được thừa kế ngôi vị, toàn bộ phe phái quân đội sẽ mất đi điểm tựa, nhóm lợi ích sẽ mất đi tất cả những gì mà mình đánh cược vào Đinh Liễn. Nên trong những hành động của Đinh Liễn, nếu có phút giây nào ông mềm lòng với người em nhỏ của mình, “phe phái” của ông chính là lý do để ông “lạnh lùng” xuống tay.
Sau khi Đinh Liễn giết chết người em Đinh Hạng Lang, dường như Đinh Tiên Hoàng cũng không có một hành động đáp trả nào, hay là có quá nhiều chuyện đã xảy ra mà sử “không chép lại” chăng?
2. Nạn nhân của vụ án “Đỗ Thích thí Đinh – Đinh”
Trước khi phân tích, mình xin gửi nguyên văn lời chép trong ĐVSKTT về biến cố này:
“Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua 3 ngày, khát lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Đinh quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh, chia cho người trong nước ăn, chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt”
ĐVSKTT – Bản kỷ – kỷ nhà Đinh
Cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn, đồng thời cũng là sự suy tàn của nhà Đinh, chỉ được ghi lại qua vài dòng ngắn ngủi. Nhưng chỉ cần đọc qua cũng đã thấy có nhiều điều khả nghi. Đỗ Thích là một viên quan nhỏ, có thể là thái giám trong cung (nội nhân) làm sao có khả năng giết liền một lúc 2 người quan trọng nhất Đại Cồ Việt?
Có nhiều yếu tố khiến mình suy đoán, Đỗ Thích không thể hay đúng hơn là không thể một mình giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn:
- Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn đều là những người từ bàn tay trắng gây dựng cơ đồ, hẳn không thể bất cẩn đến mức để một tên nội nhân lẻn vào ám sát.
- Trong cung canh phòng nghiêm ngặt, sao có thể để một tên nội nhân, mang hung khí đi như chốn không người. Dù cho Đỗ Thích có thực là một tên thích khách chuyên nghiệp, cũng không thể một mình giết 2 người quyền quý bậc nhất thiên hạ mà không có một trở ngại nào.
- Đỗ Thích chỉ là một người bình thường, trong triều có muôn vàn người quyền lực hơn hắn, như Nguyễn Bặc, Lê Hoàn… làm sao có thể chỉ cần giết vua là đoạt được thiên hạ? Đỗ Thích chắc chắn hiểu điều này. Việc nằm mơ thấy sao rơi vào miệng như sử chép, chỉ là sự thêm thắt của người chiến thắng sau cùng chăng?
Vì vậy, theo mình, Đỗ Thích chỉ là một cái tên bị quy trách nhiệm, gánh tội thay, hoặc cùng lắm là một tên tòng phạm. Chắc chắn còn một chủ mưu cao tay đứng đằng sau điều khiển vở kịch này. Vậy ai là thủ phạm?
Mình dám chắc rằng, sau khi Đinh Liễn giết em trai là Đinh Hạng Lang, triều đình đã diễn ra một cuộc chiến giành quyền lực hết sức khốc liệt. Thật khó để suy đoán “tổng đạo diễn của vở kịch”, nhưng có những tình tiết khiến mình nhớ đến những cái tên sau:
- Sự can thiệp của nhà Tống: Chỉ vài tháng sau cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, nhà Tống đã rục rịch quân đội chuẩn bị tấn công Đại Cồ Việt, thật trùng hợp và mau lẹ! Phải chăng Đỗ Thích là một tay gián điệp được nhà Tống cài cắm để chờ ngày giết đi 2 người quan trọng nhất nước Nam, để thừa nước đục thả câu, thu lại “Giao Châu” đã tách ra khỏi Trung Hoa gần 50 năm về trước?
- Nguyễn Bặc: Người đầu tiên bắt được Đỗ Thích là Nguyễn Bặc, nhưng việc làm của ông là giết luôn Đỗ Thích mà không hề tiến hành một cuộc điều tra nào để tìm ra kẻ chủ mưu. Hành động này có phần gấp gáp và khó hiểu, có phải vì một lý do khó nói nào chăng hay chỉ đơn giản là sự tức giận đến tột độ dẫn đến hành động sai lầm? Điều này cũng khó kết luận được, vì đây chỉ là một hành động ở 1 thời điểm nhất định. Trong suốt thời gian trị vì của nhà Đinh, Nguyễn Bặc không được nhắc đến nhiều, thậm trí sau khi Lê Hoàn lên nắm quyền nhiếp chính, Nguyễn Bặc cùng Đinh Điền và một số thân tín lại là những người dấy binh chống lại Lê Hoàn. Sử gia Ngô Sỹ Liên cũng ca tụng Nguyễn Bặc là một lòng phù tá nhà Đinh.
- Lê Hoàn: Sau cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, Đinh Hạng Lang, người duy nhất đủ tư cách kế vị chính là Vệ vương Đinh Toàn, con của Hoàng hậu Dương Vân Nga. Lê Hoàn dễ dàng trở thành nhiếp chính và rồi với quân đội trong tay, Lê Hoàn đã dẹp được các thế lực đối địch như Nguyễn Bặc, Đinh Điền để một mình nắm toàn bộ triều đình.
Diễn biến tiếp theo chính là việc Lê Hoàn phế Đinh Toàn, lên ngôi Hoàng Đế, đồng thời cũng lấy Dương hoàng hậu làm vợ.
Rõ ràng sau cái chết của 2 cha con Tiên Hoàng, Lê Hoàn là người hưởng lợi cuối cùng, khi đoạt được cả thiên hạ. Điều này cũng khiến mình cơ hồ Lê Hoàn mới chính là tổng đạo diễn của vở kịch “Đỗ Thích thí Đinh – Đinh” này chăng? Tất nhiên đây chỉ là suy đoán cá nhân của mình mà thôi.
III. Phần kết
Các bạn thân mến, mình vừa gửi đến các bạn chân dung của Nam Việt Vương – Đinh Liễn cùng với vụ án Đỗ Thích thí Đinh Đinh, bên cạnh đó là những suy luận cá nhân được mình nghĩ ra hay góp nhặt được từ những tiểu tiết ghi trong lịch sử. Những suy đoán của mình chỉ mang tính cá nhân, nhằm giúp các bạn có được góc nhìn khác lạ về những sự kiện lịch sử khô khan.
Bi kịch của lịch sử cũng chính là những câu chuyện được người đời sau nhớ mãi. Sự kết thúc của một triều đại bao giờ cũng mở ra một trang sử mới. Lịch sử không bao giờ tồn tại chữ “nếu”, như dòng nước đã trôi qua thì không bao giờ trở lại. Nhưng giả sử, vụ án Đỗ Thích thí Đinh – Đinh không xảy ra, thì lịch sử sẽ đi về đâu khi nhà Đinh tiếp tục tồn tại? Hay là, nếu như triều Đinh không sụp đổ, quân Tống không mang quân đánh Đại Cồ Việt, thì lịch sử liệu có xuất hiện vị anh hùng Lê Hoàn – Lê Đại Hành Hoàng đế, đánh Tống, bình Chiêm hay không? Thật khó để nói hết chữ “giá như” phải không các bạn!
Blog lần này của mình tương đối dài, cám ơn các bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này.
Chúc các bạn có một trải nghiệm lịch sử thú vị và một tuần làm việc hiệu quả
Thân ái chào tạm biệt
TTDN_27-06-2023
[…] CUỘC ĐỜI NAM VIỆT VƯƠNG – ĐINH LIỄN VÀ BIẾN CỐ “ĐỖ THÍCH THÍ ĐINH ĐI… […]