Câu chuyện về cậu bé chăn trâu, dùng cờ lau làm trận giả, sau này bình định 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế có lẽ là câu chuyện đã “đóng đinh” trong đầu nhiều người về Đinh Bộ Lĩnh. Nhưng thực sự, khi khảo cứu một số sách sử chính thống, có thể thấy rằng Đinh Bộ Lĩnh không phải là một “cậu bé chăn trâu” đơn giản như chúng ta nghĩ, mà là người có gia thế “khủng” hơn nhiều.
1. Thân thế của Đinh Bộ Lĩnh
Muốn biết gia thế của ai thì nên xem bố người ấy là ai!
Cha của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ, một vị “nha tướng” (tướng nanh vuốt, ý nói đến vị tướng thân cận) dưới thời Dương Đình Nghệ, sau là Ngô Quyền. Đinh Công Trứ được giao chức “thứ sử Hoan Châu”, tức đứng đầu khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh (tương đương với chủ tịch tỉnh).
Tuy nhiên có lẽ cha của Đinh Bộ Lĩnh mất sớm khiến gia cảnh Đinh Bộ Lĩnh rơi vào tình trạng khó khăn.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng sau khi Đinh Công Trứ mất, mẹ con Đinh Bộ Lĩnh phải về quê ở tạm bợ:
Xưa, cha của vua [ý nói Đinh Bộ Lĩnh] là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn được giữ chức cũ, rồi mất. Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Kỷ nhà Đinh
Nhưng một số sách thì lại ghi khác về Đinh Bộ Lĩnh sau khi cha mất:
[Đinh Bộ Lĩnh] người động Hoa Lư, Giao Châu. Cha là Công Trứ, làm nha tướng của Đình Nghệ … giao cho Công Trứ quyền Thứ Sử Hoan Châu. Trước đây, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Bộ Lĩnh về với Ngô Quyền, Quyền nhân khiến Công Trứ về nhiệm chức cũ. Khi Công Trứ mất, Bộ Lĩnh kế tập chức cha.
An Nam Chí Lược – Lê Tắc
An Nam Truyện viện dẫn Tống Sử chép về thân thế Đinh Bộ Lĩnh như sau:
Trước kia, Dương Đình Nghệ lấy nha tướng là Đinh Công Trứ cho nắm chức thứ sử Hoan châu…Bộ Lĩnh là con trai Trứ. Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối chức
An Nam Truyện
Điểm chung trong các chính sử của Việt Nam và Trung Quốc là đều công nhận Đinh Bộ Lĩnh là con trai của Thứ sử Hoan châu Đinh Công Trứ, nhưng có chép khác nhau về cuộc sống của Đinh Bộ Lĩnh sau khi cha mất, sách thì nói ông về quê, cuộc sống nghèo khó đến mức phải ra ở cạnh đền thờ thần núi, sách thì nói ông được kế thừa chức vị của cha.
Sau khi nghiên cứu một vài dữ kiện được sử ghi lại , mình có tìm được một vài manh mối như sau:
- Đinh Bộ Lĩnh sinh năm 924.
- Đinh Công Trứ đi theo Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn vào cuối năm 938. Lúc này Đinh Bộ Lĩnh đã 14-15 tuổi.
- Năm 939 Ngô Quyền lên ngôi Vương, đặt các quan. Như vậy, ít nhất đến năm 939 Đinh Công Trứ vẫn chưa chết. Mình chưa tìm được tại liệu nói về năm mất của Đinh Công Trứ. Nếu tính tiêu cực nhất, Đinh Công Trứ qua đời vào năm 939-940, lúc này Đinh Bộ Lĩnh cũng đã 15-16 tuổi. Với xuất thân trong một gia đình danh tướng như vậy, có một điều chắc rằng, Đinh Bộ Lĩnh được đào tạo văn, võ từ nhỏ. Đến 15-16 tuổi, vốn kiến thức văn-võ của Đinh Bộ Lĩnh đã có nhiều thành tựu, không thể là một “nhi đồng” như sử viết lại được.
- Tạm coi như Đinh Công Trứ mất năm 940, thì với công lao lúc sinh thời của cha mình, không thể nào Ngô Quyền để mẹ con Đinh Bộ Lĩnh rơi vào cảnh nghèo khó được. Có lẽ sau khi Ngô Quyền qua đời năm 944, Dương Tam Kha cướp ngôi, chỗ dựa của gia tộc họ Đinh mất đi, Đinh Bộ Lĩnh mới phải chốn chạy về quê nhà Hoa Lư. Nhưng đến lúc này, Đinh Bộ Lĩnh cũng đã 20 tuổi, không còn là 1 đứa trẻ nữa.
Việc Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu có lẽ chỉ diễn ra trong một tình thế tạm thời nào đó, hoặc có thể chỉ là một giai thoại được thêm thắt để làm cho công trạng của ông sau này trở nên vĩ đại hơn chăng?
Vậy sau năm 944, Đinh Bộ Lĩnh đã đi đâu và làm những gì? Cùng tìm hiểu ở phần sau đây.
2. Hành tung của Đinh Bộ Lĩnh sau khi cha mất
Sau khi Ngô Quyền mất, sự nghiệp chính chị của gia đình họ Đinh cũng long đong từ đây. Giai đoạn từ năm 938 trở đi, không thấy sử sách nhắc đến gia đình Đinh Bộ Lĩnh, chỉ đến năm 951, sau khi con của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn giành lại chính quyền từ Dương Tam Kha, thì lúc này Đinh Bộ Lĩnh đột nhiên xuất hiện:
Bấy giờ người động Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh cậy núi khe hiểm cố, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương [Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập] muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân…
ĐVSK TT
ĐVSKTT cũng chép lại một tình tiết:
Người chú của vua [ý nói Đinh Bộ Lĩnh] giữ sách Bông chống đánh với vua [chỉ Đinh Bộ Lĩnh]. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng.
ĐVSK TT
Từ 2 tình tiết này chúng ta có thể biết sơ qua được hành tung của Đinh Bộ Lĩnh giai đọa từ sau khi Ngô Quyền mất đến lúc đại thắng 12 sứ quân như sau:
- Giai đoạn khoảng từ những năm 944-951: Đinh Bộ Lĩnh trở về vùng Hoa Lư, nhưng không chỉ có 1 mình mà là cả gia tộc họ Đinh. Ít nhất còn có một người chú có thế lực mạnh. Giai đoạn này, mọi việc diễn ra với Đinh Bộ Lĩnh cũng không phải “thuận buồm xuôi gió”, việc ông và người chú đánh nhau có lẽ là một việc nổi cộm nhất trong nhiều việc tranh giành quyền lực nội bộ gia tộc họ Đinh. Nhưng cuối cùng thế lực của Đinh Bộ Lĩnh vẫn kiểm soát được tình hình và hoàn toàn nắm quyền cai trị vùng Hoa Lư. Ổn định hậu phương xong, Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục gây dựng thế lực, thậm chí còn chống lại quân triều đình. Tuy nhiên, thời kỳ này thế lực còn yếu, Đinh Bộ Lĩnh phải đưa con Đinh Liễn đến triều đình làm con tin.
- Giai đoạn khoảng từ năm 951-966: Triều đình họ Ngô có đến 2 vua (Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương), chính sự rối ren, dẫn đến loạn 12 sứ quân cát cứ. Giai đoạn này Đinh Bộ Lĩnh củng cố Hoa Lư thành một căn cứ địa của riêng mình. Tuy nhiên thế lực cũng không quá lớn, mặc dù có thể tự giữ địa bàn nhưng không đủ lớn để được xếp vào 12 sứ quân.
- Giai đoạn từ năm 966-968: Đinh Bộ Lĩnh dùng nhiều biện pháp khéo léo từ kết thân, chiêu hàng đến dùng vũ lực đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân, thâu cả giang sơn về tay mình, lên ngôi hoàng đế.
3. Đinh Bộ Lĩnh là một nhà chỉ huy quân sự đại tài?
3.1. Đối thủ của Đinh Bộ Lĩnh
Trước tiên, mình xin nêu 12 sứ quân bị Đinh Bộ Lĩnh chiêu hàng hoặc đánh dẹp gồm những ai:
- Sứ quân thứ nhất: Ngô Xương Xí, giữ vùng Bình Kiều (vùng Triệu Sơn-Thanh Hóa ngày nay). Ngô Xương Xí là con Thiên Sách Vương, cháu gọi Nam Tấn Vương bằng chú, cháu nội Ngô Quyền. Rõ ràng địa vị Sứ quân này chính thống và có sức ảnh hưởng hơn cả, lại được thừa kế cơ nghiệp họ Ngô nên tiềm lực có lẽ cũng đứng vào hàng mạnh nhất.
- Sứ quân thứ 2: Kiều Công Hãn chiếm cứ vùng Phong Châu (nay là Phong Châu – Phú Thọ). Hãn là cháu nội của Kiều Công Tiễn. Cũng là một người có địa vị cao và sức ảnh hưởng lớn.
- Sứ quân thứ 3: Kiều Thuận chiếm cứ vùng Sông Thao – Phú Thọ. Thuận cũng là cháu nội của Kiều Công Tiễn, cũng là một người có gia thế cao và sức ảnh hưởng lớn.
- Sứ quân thứ 4: Đỗ Cảnh Thạc chiến vùng Đỗ Động Giang (vùng Thanh Oai – Hà Nội ngày nay). Thạc là một vị tướng từ thời Ngô Quyền, có binh quyền trong tay, đến đây nhân thời loạn cũng tự cát cứ một vùng.
- Sứ quân thứ 5: Ngô Nhật Khánh chiếm giữ vùng Đường Lâm (Ba Vì – Hà Nội ngày nay). Khánh là dòng dõi nhà Ngô.
- Sứ quân thứ 6: Nguyễn Khoan giữ vùng Tam Đái (Vĩnh Lạc – Vĩnh Phúc).
- Sứ quân thứ 7: Nguyễn Siêu giữ vùng Tây Phù Liệt (Thanh Trì-Hà Nội)
- Sứ quân thứ 8: Nguyễn Thủ Tiệp giữ vùng Tiên Du (Bắc Ninh)
- Sứ quân thứ 9: Lý Khuê chiếm Siêu Loại (Thuận Thành-Bắc Ninh)
- Sứ quân thứ 10: Lữ Đường chiếm Tế Giang (Mỹ Văn-Hưng Yên)
- Sứ quân thứ 11: Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu (Khu vực Kim Động – Ân Thi Hải Dương)
- Sứ quân thứ 12: Trần Lãm chiếm Bổ Khải Khẩu (Thái Bình)
12 sứ quân có người là dòng dõi quyền quý, có người là danh tướng, cũng có những người không rõ thân thế ra sao nhưng có lẽ đều có điểm chung là mạnh hơn Đinh Bộ Lĩnh.
3.2. Dẹp loạn sứ quân
Sử chỉ chép vắn tắt quá trình dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh như sau:
Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công (Trần Lãm) là người có đức mà không có con nối, bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, mới nuôi làm con, ơn yêu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao cho coi quân, sai đi đánh các hùng trưởng khác, [26a] đều thắng được cả. Phạm Phòng Át (Phạm Bạch Hổ) đem quân về hàng (dưới triều nhà Đinh, Phòng Át làm Thân vệ tướng quân). Khi Minh Công mất, gặp lúc bọn con em của Ngô Tiên chúa ở Đỗ Động Giang hơn 500 người đem quân đến đánh, mới vào đến đất Ô Man thì bị người làng ấy là Ngô Phó sứ đánh bại phải trở về. Bộ Lĩnh nghe tin, liền cất quân đi đánh vùng sông và động ấy, không bộ lạc nào không hàng phục. Từ đó lại dân ở kinh phủ đều khâm phục theo về. Nhà Ngô mất.
ĐVSK TT
Theo mình suy luận, công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh có thể chia ra làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1- tiến thân: Đinh Bộ Lĩnh mang lực lượng, gia quyến theo hàng Trần Lãm, được Trần Lãm tin dùng và được giao cầm quân.
- Giai đoạn 2 – dẹp loạn: Sau khi về dưới chướng của Trần Lãm, binh lực Trần Lãm + Đinh Bộ Lĩnh liên tục thu phục các sứ quân khác, chỉ còn Phạm Bạch Hổ và Đỗ Cảnh Thạc (có lẽ đã có cả hậu duệ Ngô Quyền theo về). Dường như trong giai đoạn này, Đinh Bộ Lĩnh không để thua một trận nào nên mới được tôn lên làm “Vạn Thắng Vương”. Sau giai đoạn này, còn lại 3 thế lực lớn tồn tại gồm: Đinh Bộ Lĩnh ở Bố Hải Khẩu (lúc này Trần Lãm đã chết), Phạm Bạch Hổ (giữ vùng Hải Dương), Đỗ Cảnh Thạc giữ vùng Đỗ Động Giang (Thanh Oai-Hà Nội).
- Giai đoạn 3 – chiêu hàng: Đinh Bộ Lĩnh đã chiêu hàng được Phạm Bạch Hổ. Trở thành thế lực mạnh nhất, chỉ còn kẻ thù duy nhất là Đỗ Cảnh Thạc. Thạc không hổ danh là một danh tướng từ thời Ngô Quyền.
- Giai đoạn 4 – tiêu diệt Đỗ Cảnh Thạc, thống nhất sơn hà, lên ngôi hoàng đế.
Qua từng bước đi trên con đường bình định giang sơn, mình đoán chắc rằng Đinh Bộ Lĩnh là một người có đủ dũng mãnh – mưu lược và cả sự khéo léo mới có thể từng bước thâu tóm 12 sứ quân vào trong ống tay dễ dàng như vậy. Thời gian ông tiến quân chỉ trong vỏn vẹn chưa đến 3 năm mà đất nước đã sạch bóng phiên thần cát cứ, thống nhất sơn hà. Rõ ràng Đinh Bộ Lĩnh là một nhà chỉ huy quân sự đại tài thời bấy giờ.
4. Lời kết.
Về gia thế, Đinh Bộ Lĩnh rõ ràng không thể là một cậu bé chăn châu “đơn thuần” như chúng ta thường nghĩ được. Ông là con của 1 danh tướng dưới thời loạn, trấn giữ vùng Thanh-Nghệ rộng lớn. Chỉ là sau khi Ngô Quyền mất (944), có thể khi này cha ông cũng qua đời, gia thế của nhà họ Đinh bị suy giảm, gia đình ông phải về quê ở Hoa Lư để gây dựng lại thanh thế.
Đinh Bộ Lĩnh là một người tuổi trẻ tài cao. Khi cha ông mất, ông mới 15-16 tuổi, trở về Hoa Lư, ông đã chiến thắng những cuộc đấu đá nội bộ để giành quyền chỉ huy lãnh địa của mình. Rõ ràng thời trẻ ông đã được cha mình là Đinh Công Trứ giáo dục rất kỹ lưỡng về quân sự.
Với kiến thức được cha dạy dỗ từ nhỏ, cùng với kinh nghiệm sương máu trải qua ở Hoa Lư đã tôi đúc nên Đinh Bộ Lĩnh vừa có tầm nhìn, mưu lược. Nền tảng ấy giúp ông từng bước dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế.
Câu chuyện đứa bé chăn châu được truyền lại có lẽ chỉ là một giai thoại để tôn vinh sự vĩ đại của Đinh Tiên Hoàng. Hoặc chăng nó là câu chuyện rất hay để giáo dục trẻ nhỏ, chỉ cần cố gắng, thì dù có là đứa trẻ chăn châu cũng làm được chuyện kinh thiên động địa?
Lịch sử ghi chép cả một giai đoạn chỉ trong đôi ba dòng, việc suy luận của mình ở trên đây cũng chỉ là 1 góc nhìn cá nhân, có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong được quý bạn đọc góp ý bổ sung giúp mình.
Đến đây, câu chuyện tuần này mình muốn gửi đến các bạn cũng trọn vẹn. Cám ơn các bạn đã kiên nhẫn ngồi đọc. Chúc các bạn một tuần mới vui vẻ và làm việc hiệu quả. Thân ái chào tạm biệt!
TTDN-19-03-2023
Hay đó ạ