Kỳ 2: Hiểu về niên hiệu, miếu hiệu và thụy hiệu của hoàng đế

Có nhiều cách để gọi một vị hoàng đế. Nhưng thông dụng nhất là niên hiệu, miếu hiệu và thụy hiệu.

1. Tìm hiểu về niên hiệu.

“Niên” là năm, “hiệu” là tên. niên hiệu có thể được hiểu ngắn gọn là “tên gọi của năm mà vị hoàng đế cai trị“. Các hoàng đế thường sẽ đánh dấu thời kỳ trị vì của mình bằng một hay nhiều niên hiệu. Về lý thuyết, chỉ vua Trung Quốc được đặt niên hiệu, nưng vua nước ta từ thời Đinh Tiên Hoàng, đều xưng hoàng đế và cũng tự đặt và sử dụng niên hiệu của riêng mình.

Niên hiệu có ý nghĩa quan trọng để xác định mốc thời gian. Thời phong kiến, nước ta sử dụng âm lịch, không có năm rõ ràng như 2022, 2021, 2022, 203…, khi muốn ghi chép một năm cụ thể, cách ghi là “niên hiệu + số năm”. Ví dụ, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đến năm 1802, đặt niên hiệu là Gia Long, từ đó năm 1802 gọi là năm Gia Long thứ nhất, 1803 là Gia Long thứ 3, 1820 là năm Gia Long thứ 19. Vua Lê Hiển Tông lên ngôi năm 1740, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng, từ đó năm 1740 gọi là năm Cảnh Hưng thứ nhất, năm 1741 là năm Cảnh Hưng thứ 2, năm Cảnh Hưng thứ 44 là năm 1792… Cảnh Hưng cũng là niên hiệu dùng lâu nhất lịch sử Việt Nam, 47 năm liên tiếp từ 1740 đến 1786. Từ cơ sở “niên hiệu” này mà các nhà sử học có thể tra ra niên đại của đồ vật, tài liệu, sự kiện lịch sử một cách chính xác.

Việc ghi niên đại sử dụng niên hiệu này được dùng phổ biến, có thể ghi trên tiền đồng, sắc phong, hay kèo cột mái đình – chùa, bia đá, chuông, sách vở…thậm chí gạch xây nhà.

Sắc phong đề niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44
Tiền được đúc dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng, có ghi Niên Hiệu “Thái Bình”

Ngoài những vị vua đặt 1 niên hiệu trong suốt quá trình trị vì, cũng có những vua đặt nhiều hơn 1 niên hiệu, như Lý Nhân Tông, ông đặt tận 8 niên hiệu trong 56 năm trị vì của mình, vua Lê Thánh Tông cũng đặt 2 niên hiệu trong 38 năm trị vì…

Một điều rất thú vị, trong thời hiện đại này Nhật Bản vẫn dùng niên hiệu của các Thiên Hoàng để ghi thời gian. Dễ thấy nhất là niên hiệu “Lệnh Hòa” của vị Thiên Hoàng hiện tại được ghi lên các đơn vị tiền tệ chính thống của nước này.

Tiền 500 yên Nhật bản đề niên hiệu Lệnh Hòa – năm 2022

2. Đại hành hoàng đế

Đây là một cách gọi của hoàng đế trong hoàn cảnh nhà vua vừa qua đời.

Sau khi băng hà (chỉ khi hoàng đế qua đời mới được gọi là bằng hà), thi hài nhà vua sẽ được tẩm ướp thuốc thơm, khâm liệm cẩn thận, đặt trong quan tài rất dày và kín, làm bằng gỗ quý. “Tử cung” (quan tài nhà vua vừa qua đời) được quàn (đặt) tại hoàng cung rất nhiều tháng để hưởng cúng tế, sau đó mới an táng tại lăng mộ. Thời gian này chưa có cách gọi chính thức dành cho vị hoàng đế quá cố, cách gọi tạm thời lúc này là “đại hành hoàng đế”. Đại Hành nghĩa là chuyến đi dài, vĩ đại, chuyến đi một chiều và không bao giờ trở lại.

Có một trường hợp đặc biệt trong lịch sử là vua Lê Hoàn, sau khi ông mất, 8 tháng trời các con của ông tranh nhau ngôi báu, quên cả truy tôn Miếu Hiệu và Thụy Hiệu đầy đủ. Thành ra muôn đời sau vẫn gọi vị vua mở đầu triều Tiền Lê là Lê Đại Hành.

Tiện nói đến chỗ tẩm ướp thi hài, mình xin gửi đến các bạn hình ảnh thi hài vua Lê Dụ Tông (1679 – 1731) được khai quật năm 1964. Mặc dù đã hơn 200 năm nhưng thi hài của ngài vẫn còn khá nguyên vẹn.

Thi hài Hoàng Đế Lê Dụ Tông vẫn nguyên vẹn khi được khai quật năm 1964

3. Thái miếu – thần chủ

Thái Miếu là ngôi miếu thờ các vua đời trước của hoàng gia, giống như mỗi dòng họ đều có nhà thờ tổ vậy. Có nhiều không gian thờ cúng hoàng gia khác, nhưng Thái Miếu là nơi tôn nghiêm và quan trọng nhất (nhà Nguyễn là trường hợp đặc biệt, khi có nhà Thái Miếu để thờ cúng các chúa – đã được truy tôn là Hoàng Đế, và có Thế Miếu để thờ từ vua Gia Long về sau). Một vị vua, sau khi kết thúc cuộc sống ở trên dương gian này, sẽ được đời sau thờ phụng như những vị thánh thần tại Thái miếu, hưởng sự cúng tế muôn đời.

Thần chủ (hay được biết đến là bài vị) là vật thờ quan trọng nhất, tượng trưng cho người đã khuất hoặc các vị thánh thần. Khi một vị vua mất đi, linh hồn rời khỏi thể xác, người ta sẽ làm một “bài vị” bằng gỗ thiêng (gỗ dâu, gỗ lật…) và khẩn thỉnh linh hồn nhà vua nhập vào, bài vị này tên chuẩn là “thần chủ”. Sau khi chôn cất tiên đế, “thần chủ” sẽ được đưa vào thờ trong nhà Thái miếu thờ cúng. Thần chủ cũng được dùng để thờ hoàng hậu, thần linh hay người dân bình thường.

Thần chủ Hoàng Đế Gia Long (giữa) và 2 vị Hoàng Hậu tại Thế Miếu
Thế Tổ miếu nhà Nguyễn – nơi thờ các vị Hoàng Đế nhà Nguyễn

4. Miếu hiệu

Miếu Hiệu – hiểu đơn giản là tên vị vua được ghi trong Thái miếu. Miếu hiệu của vị vua sẽ gồm 2 chữ, chữ đầu tiên là một mỹ tự có ý nghĩa tôn vinh như thánh (thánh tông, thánh tổ), thần (thần tông), nhân (nhân tông), cao (cao tông)… Chữ thứ 2 là “tổ” hoặc “tông”.

Khi nào dùng chữ “tổ” khi nào dùng “tông”

Chữ “tổ” nghĩa là ông bà, tiền nhân đời trước, hoặc những người sáng lập… Ví dụ như Tổ Nghề, Thủy Tổ, Ngoại Tổ…

Chữ “tông” cũng có nghĩa khá giống với chữ “tổ”: là người đời trước, hoặc họ hàng (tông tộc, thông thất), trường phái. Nghĩa rộng hơn chỉ sự nối tiếp chính thống.

Không có quy tắc truy tôn vị vua nào là “tổ” vua nào là “tổng”, nhưng thường những vị vua khai mở triều đại hoặc có thành tích hiển hách, sẽ được truy tôn là “tổ” còn những vị vua kế tiếp là “tông” .

Ví dụ như Lý Công Uẩn là người khai sáng triều Lý, được vua đời sau truy tôn Miếu Hiệu là Thái Tổ (Lý Thái Tổ). Lê Lợi là người khai sáng triều Hậu Lê, được vua đời sau truy tôn Miếu Hiệu là Thái Tổ (Lê Thái Tổ).Chúa Nguyễn Hoàng, người mở đầu thời kỳ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, được truy tôn là Thái Tổ (mặc dù chưa từng làm vua). Vua đời sau được truy tôn là “tông” như Lý Thánh Tông, Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông….

Cũng có nhiều trường hợp đặc biệt như Trần Thừa (cha của Trần Cảnh – vị vua sáng lập nhà Trần), khi sống được vua Trần Cảnh tấn tôn làm Thái Thượng Hoàng, tuy chưa thực sự làm vua ngày nào nhưng sau khi qua đời được truy tôn là Trần Thái Tổ trong khi vị vua mở đầu triều Trần là Trần Cảnh thì miếu hiệu lại là Thái Tông. Vua Minh Mạng là vị vua thứ 2 nhà Nguyễn nhưng công trạng hiển hách, cũng được truy tôn là Thánh Tổ (Nguyễn Thánh Tổ). Vua Thiệu Trị, tuy làm vua 7 năm ngắn ngủi (1840-1847), công trạng bình thường nhưng vua tiếp theo là Tự Đức vẫn truy tôn ông là Hiến Tổ.

Hình ảnh Hoàng Đế Minh Mạng được thờ tại Thế Miếu – Huế

5. Thụy hiệu

Trên thần chủ của vị vua quá cố sẽ ghi 2 nội dung, đầu tiên là Miếu Hiệu, sau đó đến Thụy Hiệu.

Thụy Hiệu là các mỹ tự dùng để ca tụng công đức, võ công, văn trị của vị vua tiền nhiệm, thường kết thúc bằng 1 hoặc 2 chữ mang nghĩa tổng quát.

Vua Lê Thánh Tông được truy tôn đầy đủ là: Thánh Tông (Miếu Hiệu)  + Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu Thuần (Thụy Hiệu) + Hoàng Đế. Thường gọi tắt là Thánh Tông Thuần Hoàng Đế hoặc Thánh Tông Hoàng Đế, để phân biệt với các triều đại khác, sử gia gọi tắt là Lê Thánh Tông.

Thánh Tông Thuần Hoàng Đế

Vua Gia Long được truy tôn là: Thế Tổ (Miếu Hiệu) + Khai Thiên Hoằng Đạo Lập Kỷ Thùy Thống Thần Văn Thánh Võ Tuấn Đức Long Công Chí Nhân Đại Hiếu Cao (Thụy Hiệu) + Hoàng Đế. Đời con cháu ông đều gọi là Thế Tổ Cao Hoàng Đế, nhưng khi trị vì, ông chỉ dùng 1 Niên Hiệu là Gia Long nên đời sau hay gọi là vua Gia Long.

6. Tục kỵ húy

Còn một tên gọi nữa của một vị vua là tên húy hay tên thật, là tên được cha mẹ đặt. Như Phật Hoàng Trần Nhân Tông có tên thật là Trần Khâm, Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, vua Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn..Tên húy ai cũng có nhưng khác nhau ở chỗ tên nhà vua thì phải “kiêng” không được nhắc đến. Đó là tục kỵ húy.

Ví dụ như thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), vua Tự Đức tên lúc bé gọi là Thì (Nguyễn Phúc Thì), lớn hơn chút, theo tục lệ dòng họ, có thêm tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Đến khi ông lên ngôi, đã cấm tiệt dân chúng dùng chữ Thì và Nhậm. “Thì” đọc “thời”, “nhậm” đọc thành “nhiệm”. Cá biệt có cụ Ngô Thì Nhậm dính cả 2 tên “kiêng húy” này, dù đã mất nửa thế kỷ, nhưng vẫn bị đổi thên thành Ngôi Thời Nhiệm.

Tục kỵ húy này ảnh hưởng đến tận ngày nay, khi đặt tên con cái, thường phải kiêng không được trùng với cha mẹ, ông bà, tổ tiên…

7. Lời kết

Mong rằng qua bài viết này, mình đã giải thích được cho các bạn hiểu sơ bộ về các cách gọi thông dụng của một vị hoàng đế như niên hiệu, miếu hiệu, thụy hiệu. Hiểu được khái niệm này, các bạn sẽ không bị bỡ ngỡ khi thấy Hà Nội đặt tên đường toàn là “tổ” với “tông” mà sẽ hiểu rằng, đấy chẳng qua chỉ là việc gọi một vị hoàng đế nước ta bằng miếu hiệu.

Việt Nam ta ngàn năm văn hiến, trọng sự học hành, lễ nghĩa, đôi khi lễ nghi rườm rà và rất phức tạp. Thời đại bây giờ khác hẳn ngày xưa, nên đọc những quyển sử dầy cộp, lại toàn các từ ngữ khó hiểu thật khiến người trẻ cảm thất ngột ngạt và nản chí. Nhưng các bạn ạ, lịch sử nước ta hay vô cùng, từ những chi tiết nhỏ, đến những câu chuyện lớn đều có thể dựng thành phim và mình tin rằng không thua kém gì phim cung đấu của Trung Quốc và Hàn Quốc. Bài viết hôm nay của mình chỉ nói về một khía cạnh rất nhỏ của sử ta, mong rằng các bạn thấy bổ ích.

Bài viết đã hơi dài rồi, rất cám ơn ai đó đã đọc được đến tận dòng này của mình. Chúc các bạn một tuần mới làm việc thật hiệu quả

Thân ái chào tạm biệt

TTDN_20/11/2022

Bình luận

  1. Kẻ ăn drama

    Cảm ơn tác giả 😄

  2. […] KỲ 2: HIỂU VỀ CÁC DANH XƯNG CỦA HOÀNG ĐẾ: MIẾU HIỆU, THỤY HIỆU, NIÊN HIỆU […]

  3. Appreciate the recommendation. Will try it out.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.