Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là anh em cột chèo?

Trước khi đi tìm mối quan hệ họ hàng với Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, mình muốn đưa đến cho các bạn xem một số thông tin lịch sử để các bạn biết rằng Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh có những mối thâm thù đại hận không thể nào hóa giải nổi (à tuy rằng 2 ông họ Nguyễn nhưng thực ra là không phải cùng một dòng tộc đâu nhé anh em).

Nguyễn Huệ (trái) – Nguyễn Ánh

Trước hết cùng xem lại hồi cuối của nhà Tây Sơn trên vai trò một triều đại của Việt Nam nhé:

Ngày canh thân, xa giá đến Thăng Long. Giặc Nguyễn Quang Toản (nhà Nguyễn gọi cả triều Tây Sơn là giặc nhé anh em), đã bỏ thành chạy trước cùng với em là Quang Thùy, Quang Duy, Quang Thiệu và bọn Tư mã Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Tứ qua sông Nhĩ Hà (sông Hồng) đến sông Xương Giang (Bắc Ninh), đêm trú ở chùa Thọ Xương. Dân thôn mưu cướp. Quân đi theo đều tan. Quang Thùy tự thắt cổ chết; Quang Toản, Quang Duy, Quang Thiệu, Văn Dụng, Văn Tứ tìm đường trốn chạy, đều bị thôn dân bắt được. Binh đuổi theo của Tả quân chợt đến, đóng cũi đưa về Thăng Long.

Giặc Tây Sơn đến đây dẹp yên hết, lấy hết đất An Nam….

-Trích Đại Nam Thực Lục chính biên, quyển XVII-

Những lời vắn tắt trên từ Đại Nam Thực Lục cho ta biết một sự kiện vô cùng quan trọng, có thể nói là quan trọng bậc nhất nửa đầu thế kỷ 19. Vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) bị đóng cũi đưa về Thăng Long. Triều đại Tây Sơn kết thúc. Gia Long – Nguyễn Ánh phiêu dạt khắp nơi, tìm đủ mọi đường, tưởng chừng vô vọng, nay đã là người được lịch sử gọi tên, nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam chính thức bắt đầu.

Ngọ Môn - Kinh đô Huế-Triều Nguyễn
Ngọ Môn – Kinh đô Huế (Kinh đô nước Việt Nam từ thời Gia Long – Nguyễn Ánh)

Triều đại Tây Sơn, từ 3 anh em Nguyễn Nhạc – Nguyễn Lữ – Nguyễn Huệ nổi lên từ những năm Cảnh Hưng thứ 32 (năm 1771), đến khi Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế năm 1778 đặt niên hiệu là Thái Đức, đến Nguyễn Huệ – Quang Trung hoàng đế – lên ngôi năm 1789 đánh tan 20 vạn quân Thanh rồi qua đời năm 1792 một cách bất ngờ. Vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) mới 9 tuổi lên ngôi. Nội bộ mâu thuẫn, Nguyễn Ánh càng ngày càng củng cố thế lực ở miền Nam, chưa bao giờ nguôi đi mưu đồ khôi phục lại những gì ông và gia tộc đã bị nhà Tây Sơn cướp mất. Quang Toản quá nhỏ tuổi, không kiểm soát được tình hình. Để rồi đến năm 1802 Nguyễn Ánh mang quân chiếm lại Phú Xuân (Huế) thừa thế tiến ra Bắc Hà, thu dọn nốt tàn cục, tiêu diệt nhà Tây Sơn (1778 – 1802).

Nhà Tây Sơn với những chiến tích võ công huy hoàng: Lật đổ chúa Nguyễn, tiêu diệt họ Trịnh, xóa bỏ nhà Lê, đánh tan quân Xiêm, đại thắng quân Thanh. Đưa nước Việt Nam từ một vùng đất chính trị lung lay, chia rẽ hai miền, ngoại bang dòm ngó trở thành một vùng đất sạch bóng ngoại xâm, nối thông 2 miền Nam Bắc, đã kết thúc như vậy.

Tượng đài Tây Sơn tam kiệt tại Bình Định (Nguyễn Nhạc – Nguyễn Lữ – Nguyễn Huệ)

Một điều rất lạ, nhà Lê và họ Trịnh cũng đều là những đối thủ trăm năm của Nguyễn Phúc tộc. Nhưng sau khi lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Ánh không trả thù họ Trịnh – dòng họ đã đối đầu với chúa Nguyễn gần 2 thế kỷ – mà ngược lại còn tìm người, cho bổng lộc để thờ tự. Truy tặng thụy hiệu cho vua Lê Chiêu Thống và các cựu thần nhà Lê.

Vậy tại sao Nguyễn Ánh lại không tận diệt Lê – Trịnh như nhà Tây Sơn? Lục lại lịch sử, mình có tìm được những tư liệu mà cơ hồ đây chính là lý do cho mối thâm thù đại hận ấy:

  • Năm 1777 Nguyễn Huệ đem quân đánh Gia Định, cả chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương đều lần lượt bị bắt giết. Họ Nguyễn cai trị đàng trong đến đây chấm dứt. Ấy là mối hận gia tộc, mối hận đầu tiên mà Nguyễn Ánh ghi trong lòng.
  • Năm 1783 các anh em ruột Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Mân, Nguyễn Phúc Đồng … bị Nguyễn Huệ bắt được và hành quyết. Ấy là mối hận giết anh em, mối hận gia đình.
  • Suốt đời Gia Long, ông chỉ thua Nguyễn Huệ, Nguyễn Huệ ra Bắc, Gia Long lại đánh lấy Gia Định, không tướng nào nhà Tây Sơn thắng được, chỉ khi Nguyễn Huệ mang quân vào Nam, Nguyễn Ánh mới lại thất bại. Nguyễn Huệ đánh cho Nguyễn Ánh chạy ngược chạy xuôi, sang cả Xiêm để trốn. Ấy chắc chắn là mối hận của riêng bản thân Nguyễn Ánh
  • Nguyễn huệ cho người đào mộ chúa Nguyễn Phúc Thái (ông tổ 5 đời của Nguyễn Ánh),  ở lăng Trường Mậu, mở lấy hài cốt quăng xuống sông. Đào mộ, lấy hài cốt cha Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Luân ở lăng Trường Cơ đổ xuống sông. Ấy là mối hận quật mồ tổ tiên và cũng là mối hận lớn nhất.

Thù gia tộc, thù gia đình, thù quật mộ cha ông là những mối thù khiến Nguyễn Ánh rất hận Tây Sơn, nhất là Nguyễn Huệ. Và khi giành được chính quyền, Nguyễn Ánh đã có những biện pháp trả thù rất tàn khốc. Xin trích dẫn để anh em cùng xem qua:

“Tháng 11 làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày quý dậu tế thiên địa thần kỳ. Ngày giáp tuất hiến phù (dâng người bắt được trong chiến tranh) ở Thái miếu……dẫn Nguyễn Quang Toản, em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác… đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ (bài vị) của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại (sang năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất, cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài”

-Trích Đại Nam Thự Lục chính biên, quyển XIX-
Minh họa hình phạt tứ mã phanh thây (ở đây vua Cảnh Thịnh bị Nguyễn Ánh xử ngũ tượng phanh thây)

Trên đây là ghi chép về lễ hiến phù – lễ dâng tù chiến tranh, một lễ mà thường diễn ra khi hai phe có những mối thâm thù hết sức sâu đậm, những tù nhân thua cuộc sẽ được dâng lên tổ tiên của người chiến thắng như một một chứng minh chiến tích, như một phẩm vật, để rồi sau khi làm lễ tế xong, những phẩm vật ấy sẽ bị giết đi (thường là những cách rất tàn bạo) – mà vua Gia Long thực hiện sau khi bắt được vua Cảnh Thịnh và các tướng lĩnh, hoàng tộc nhà Tây Sơn.

Có thể tóm lại trong một câu Gia Long và Tây Sơn không thể sống chung trong một gầm trời.

Mình vừa trích dẫn sơ bộ về một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt gắn liền với triều đại Tây Sơn từ khi khởi nghĩa cho đến khi cáo chung. Và một đường kẻ song song trong cả giai đoạn này, chính là Nguyễn Ánh (Gia Long), người đã bị nhà Tây Sơn cướp mất tất cả từ cha chú, tổ tiên đến sự nghiệp 200 năm của dòng tộc, nhưng cũng chính Nguyễn Ánh là người đã đặt dấu chấm hết cho nhà Tây Sơn.

Nhưng trong series “Lịch Sử Lung Tung” này, mình không đề cập đến những thâm thù đại hận, những trận chiến khốc liệt hay sự suy vong, hưng thịnh của các triều đại. Mà là những điều thú vị, trùng hợp hoặc những cậu chuyện nhỏ nhặt nhưng hay ho được lôi ra từ những bộ sử đồ sộ, khô khan.

Hôm nay chủ đề của chúng ta là  “Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ” có họ hàng với nhau như thế nào 😀

Bắt đầu nhé!

Đầu tiền là về Nguyễn Huệ.

Nguyễn Huệ có nhiều tên gọi lắm, ae nhớ để đỡ loạn nhé. Nguyễn Văn Huệ là tên nhà Nguyễn gọi, Nguyễn Quang Bình là tên nhà Lê hay nhà Thanh gọi, Nguyễn Huệ là tên ta hay gọi, Thái Tổ Võ Hoàng Đế là miếu hiệu và thụy hiệu triều đại Tây Sơn truy tặng và kính gọi, còn cái tên quen thuộc nhất: Quang Trung là niên hiệu. Về mấy cái lằng nhằng Niên hiệu, Miếu hiệu, Thụy hiệu… này hôm nào mình sẽ làm một chủ đề sau nhé ^^ còn chủ đề hôm nay nói đến quan hệ họ hàng, nên mình cứ gọi tên húy Nguyễn Huệ như kiểu mấy anh em ở quê gọi nhau cho dễ nhé :D.

Nguyễn Huệ – 33 tuổi – quê Bình Định – năm 1786  sau khi ra bắc dẹp chúa Trịnh, tôn phù vị vua già áp chót nhà Lê là Lê Cảnh Hưng ( Tên thật Lê Duy Diêu, Miếu hiệu: Hiển Tông, Thụy hiệu: Vĩnh hoàng đế, niên hiệu Cảnh Hưng… lại lằng nhằng rồi :D), lúc đấy cụ không biết báo đáp Nguyễn Huệ như nào, bèn gả người con gái thứ 9 là Ngọc Hân công chúa lúc bấy giờ mới chưa đến 20 mà cụ thể là 16 :D, là người con gái đẹp nhất và cụ yêu quý nhất cho Nguyễn Huệ. Huệ mừng lắm, lấy được gái Hà Nội lại con vua, thì ai mà từ chối được. Anh chị em có thể đọc “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” để rõ đoạn này hơn nhé, mình xin trích dẫn một chút thôi:

“Bình (Nguyễn Huệ) chọn ngày mồng mười tháng ấy, sắp sẵn hai trăm lạng vàng, hai ngàn lạng bạc, hai chục tấm đoạn màu, bày biện gươm giáo cờ quạt; rồi sai viên thị lang bộ Hình đem các thứ lễ vật đó cùng một tờ tâu vào điện Vạn Thọ. Hoàng thượng cho hoàng tử là ”Sùng nhượng công” ra đón nhận lễ vật, làm lễ cáo ở nhà Thái Miếu, định ngày hôm sau thì đưa dâu. Rồi hoàng thượng lại truyền cho các hoàng thân, hoàng phi, công chúa và các quan văn võ, ai nấy đều phải sửa soạn ngựa xe, sớm hôm đó đợi ở cửa điện, để đưa công chúa về phủ của Bình”

-Trích Hoàng Lê Nhất Thống Chí-

Tóm lại, năm 33 tuổi, Nguyễn Huệ ra Thăng Long (Hà Nội) cưới được con gái thứ 9 của vua Lê Cảnh Hưng – Ngọc Hân công chúa. Vậy là Nguyễn Huệ – Quang Trung hoàng đế lẫy lừng của chúng ta chính là một ông con rể của vua Lê Cảnh Hưng.

Hình ảnh vua Quang Trung (in trên tiền 200 đồng – Việt Nam Cộng Hòa)

Thứ hai là Nguyễn Quang Toản

Lại nói về vua Lê Cảnh Hưng, ông còn mấy cô con gái nữa, trong đó người con gái út là Lê Ngọc Bình thì đến năm 1795 Quang Toản (Cảnh Thịnh đế) – 12 tuổi –  con trai thừa kế Nguyễn Huệ được mẹ kế là Lê Ngọc Hân tiến cử người em út là Lê Ngọc Bình – 10 tuổi – làm vợ. Tóm lại Quang Toản hay vua Cảnh Thịnh lấy con gái út và trở thành ông con rể út của vua Lê Cảnh Hưng.

Thứ ba là Nguyễn Ánh

Nguyễn Ánh cũng lắm tên y như Nguyễn Huệ, hồi nhỏ thì tên là Chủng, Noãn, sau đặt tên hay hơn là Nguyễn Ánh hay Nguyễn Phúc Ánh, già hơn chút thì là Nguyễn Vương, đến năm 40 tuổi thì là Gia Long, sau đó mất đi thì Miếu hiệu là Thế Tổ, Thụy hiệu là Cao hoàng đế 😀  rối não nhỉ ^^. Giống Nguyễn Huệ, mình lại gọi là Nguyễn Ánh nhé 😀

Ảnh thờ vua Gia Long tại Thế Miếu – Đại nội Huế

 Nguyễn Ánh – 40 tuổi – người Huế gốc Gia Miêu Thanh Hóa – phiêu dạt: Sài Gòn, Thái Lan, Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo… , đến năm 1802, 40 tuổi lại về Huế. Sau đó đi tìm con của Nguyễn Huệ là Quang Toản (năm nay đã 19 tuổi) để trả thù xưa (vì lúc này Nguyễn Huệ đã mất rồi nhé). Đến lúc bắt được cả nhà Quang Toản thì giết hết trong lễ “hiến phù” mình kể ở trên. Nhưng duy nhất có một người mà Nguyễn Ánh không những tha chết mà còn cưới luôn làm vợ 3. Ấy là Lê Ngọc Bình (năm nay cũng 17 tuổi rồi), sau 2 ông bà sinh được 2 trai, 2 gái nhé, không phải lấy cho vui đâu :D.

Thế là sau một thôi một hồi chúng ta lại có một mốt quan hệ là Nguyễn Ánh trở thành con rể út của vua Lê Cảnh Hưng.

Bằng chứng về việc này, các bạn có thể tham khảo nhiều nguồn, nhưng mình xin phép trích dẫn thông tin chứng minh Nguyễn Ánh đã lấy Ngọc Bình công chúa về làm vợ từ một số tờ báo (bộ sử) uy tín là Đại Nam Thực Lục và Quốc Sử Di Biên nhé:

“Canh Ngọ, Gia Long năm thứ 9 (1810)… Chiêu viên là Lê thị (Con gái út vua Lê Hiển Tổng) mất, tặng Đức phi, an táng ở Trúc Lâm…”

-Trích Đại Nam Thự Lục chính biên, quyển XL-

“Ngày Canh Thân (ngày 21), Thế Tổ (Gia Long) xa giá đến Thăng Long. Hào mục bắt anh em Quang Toản đem dâng …Thế Tổ cho chém đầu ở trường bắn, cho đem vợ Toản là Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung”

-Trích Quốc Sử Di Biên – Phan Thúc Trực-

Mối quan hệ lằng nhằng

Tuy là viết về quan hệ họ hàng giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh nhưng mình buộc phải thêm vua Lê Cảnh Hưng, Quang Toản, Ngọc Hân, Ngọc Bình vào để nó rõ ràng hơn về những mối quan hệ sau đây:

Từ 3 dữ kiện nêu trên, ta có được thông tin đầu vào như sau:

  • Nguyễn Huệ, Quang Toản, Nguyễn Ánh đều là con rể vua Lê Hiển Tông
  • Nguyễn Huệ là bố đẻ Quang Toản
  • Lê Ngọc Hân là chị ruột của Lê Ngọc Bình
  • Lê Ngọc Hân lấy Nguyễn Huệ
  • Lê Ngọc Bình lấy Quang Toản, sau Quang Toản mất thì lấy Nguyễn Ánh

Từ đây những quan hệ họ hàng phức tạp bắt đầu 😀

Ảnh Ngọc Hân công chúa và vua Quang Trung ( do Thùy Lâm và Lý Hùng thủ vai trong phim Tây Sơn Hào Kiệt)

1.Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là anh em cột chèo

Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh – những kẻ thù không đội trời chung, chính là 2 anh em cột chèo, vì cùng là con rể ông vua già Lê Cảnh Hưng, Huệ lấy Hân, Ánh lấy Bình.

2.Nguyễn Huệ va Quang Toản là anh em cọc chèo

Ngọc Hân lại là chị Ngọc Bình, chị ruột hẳn hoi, mà Huệ lấy Hân, Toản lấy Bình nên 2 bố con Nguyễn Huệ – Quang Toản thi thoảng cũng có thể gọi nhau là anh em cột chèo @@

3.Nguyễn Huệ là “bố họ” của Nguyễn Ánh

Nguyễn Huệ chính là bố chồng của Lê Ngọc Bình (do Toản lấy Bình, Toản là con Huệ), sau Nguyễn Ánh lại lấy Ngọc Bình, thế là về góc độ nào đó, Nguyễn Huệ cũng có thể là ông bố họ của Nguyễn Ánh.

4.Ngọc Hân là mẹ chồng của Ngọc Bình

Ngọc Hân là vợ Nguyễn Huệ, Nguyễn Huệ là bố Quang Toản, Ngọc Bình là vợ Quang Toản, nên đôi khi Ngọc Hân cũng là mẹ chồng của Ngọc Bình.

5.Nguyễn Huệ và Lê Cảnh Hưng là thông gia

Quang Toản là con Nguyễn Huệ, Quang Toản lấy con gái vua Lê Cảnh Hưng là Ngọc Bình nên Nguyễn Huệ và vua Lê Cảnh Hưng cũng có thể là thông gia.

6. Ngọc Hân và Lê Cảnh Hưng là thông gia

Ngọc Hân là mẹ chồng Ngọc Bình, Ngọc Bình là con gái Lê Cảnh Hưng, nên Ngọc Hân và Lê Cảnh Hưng chính là thông gia với nhau.

Thôi, đến đây là đã đủ nổ não rồi @@, để tiện theo dõi cho những anh em nào rảnh rang muốn suy ngẫm thì mình có làm sẵn một tấm ảnh rối rắm để thể hiện mối quan hệ rắm rối này nhé 😀

Mối quan hệ lằng nhằng Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh
Mối quan hệ lằng nhằng Nguyễn Huệ – Nguyễn Ánh

Nếu giả sử các bậc tiền nhân của chúng ta, 5 anh em, chị em, cha con:  vua Lê Hiển Tổng – Cảnh Hưng, vua Nguyễn Huệ – Quang Trung, vua Nguyễn Ánh – Gia Long, vua Quang Toản – Cảnh Thịnh, công chúa Ngọc Hân, công chúa Ngọc Bình mà xuyên không lịch sử về thế giới hiện đại, ngồi vào một bàn nhậu với nhau, thì sẽ biết ăn nói, xưng hô với nhau như nào cho ổn thỏa đây. Chắc mỗi người ngồi một bàn cho đỡ đau đầu. Hoặc không chuyển sang nói tiếng anh, chỉ có I / You cho tiện.

Khi nhậu, gia đình họ sẽ gọi nhau như thế này

Rõ ràng điều đó sẽ chẳng thể xảy ra được. Vì lịch sử đã qua đi hàng trăm năm, và những nhân vật như Gia Long, Quang Trung đã bị cuốn đi theo dòng chảy không ngừng của Lịch sử, chỉ còn lại đến bây giờ vỏn vẹn trong vài trang sách. Nhưng cũng đủ để kể lại những điều thú vị trong cả một giai đoạn đầy khói lửa.

Các bạn thân mến, chủ đề hôm nay là bài viết đầu tiên trong series “Lịch Sử Lung Tung” của mình, nội dung cũng thật lung tung, bố cục cũng thật lung tung, phong cách viết cũng lung tung. Nhưng mong các bạn nếu đọc được, sẽ thấy được những điều thú vị của lịch sử để nhớ rằng lịch sử chẳng khô khan như chúng ta đã tưởng 😀

Thân ái chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

TTDN-23/10/2022

Bình luận

  1. Kẻ ăn drama

    Yê cảm ơn bạn vì những câu chuyện hay ho này.

    Chăm chỉ ra nhiều sự hay ho nữa nhe bạn.

    1. Cám ơn bạn nhiều nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.