Bệnh viện muôn mùi!!!

Bệnh viện muôn mùi

Bệnh viện quả là một nơi đặc biệt. Đặc biệt vì khách hàng của nó không phải là những “thượng đế” quần là áo lượt, má phấn mồi hồng, trang đài chau chuốt mà là những người đang không khoẻ (chỉ cần nhìn là biết). Nhưng cũng có một điểm chung, mặc dù bệnh viện không hẳn là chỗ tiện nghi, nhân viên không nhẹ nhàng, chu đáo và dễ mến nhưng bất cứ khách hàng nào đến đây cũng đều phải “vung tiền”, đôi khi còn nhiều hơn bất cứ chốn làng chơi nào ngoài kia. (1)

Đến bệnh viện mới thấy thấm thía câu “sức khoẻ là vàng”. Ở đây có đủ mọi hạng người, và  mọi….hương vị.

Hương vị đầu tiên chắc chắn là “mùi bệnh viện” – thuốc khử trùng. Ở bệnh viện nào cũng thế, chẳng ít thì nhiều đều dùng Cờ Lo (Cl) làm thuốc khử trùng, dùng cồn làm thuốc sát khuẩn, nước tẩy Javel để tẩy trắng chăn, màn, quần áo. Tổng hoà của những mùi ấy chính là mùi bệnh viện. Mùi hương này báo hiệu cho ta nhiều điều, rằng đây không phải nơi có thể thư thái dù là bạn có ngồi chờ mà không làm gì, rằng đây là nơi rất nhiều vì trùng vi khuẩn (thế nên cái gì cũng phải sát trùng) và hiển nhiên rằng đây là nơi của những bệnh nhân. Tôi tin rằng bất cứ ai cũng đã in hằn vào tiềm thức mùi bệnh viện này, và không ai thích mùi ấy cũng như chẳng mong gì được hít thở thường xuyên. Với tôi mùi bệnh viện thật ám ảnh và nó như một màu sắc vô hình tô thêm vào bức tranh muôn màu thống khổ của những người trong bệnh viện. Thực sự thì tôi không thích mùi này 😀 😀

2 phòng chụp CT, 1 phòng máy hỏng, 7h tối dòng người đến chụp vẫn dài đằng đẵng

Từ tờ mờ sáng, mới khoảng 4-5h đã nhộn nhịp không kém gì chợ đầu mối Long Biên, các cô, các bác cùng người thân khăn gói đèo bòng đã xếp hàng sẵn, nếu đi từ miền quê xa xôi nào đó lên thủ đô khám bệnh chắc đã phải lọ mọ dậy từ khi trời hãy còn đen kịt. Ấy thế mà trong những hành lý “gói vội” mang đi vẫn đủ những xôi, bánh, nước, tiền và sạc dự phòng. Có lẽ mỗi cuộc đi khám bệnh trên thành phố của người dân miền xa xôi là một dịp hệ trọng, và mỗi người tham gia gồm cả bệnh nhân và người tháp tùng đều được trang bị đủ mọi thứ như một “chiến binh”.

5h30 khi tôi đã yên vị nhận số thứ tự xong, chui vào 1 xó ngồi chờ, dòng người vẫn kéo vào mỗi lúc một đông khi mặt trời mỗi lúc một sáng tỏ và ồ ạt khi ánh nắng gay gắt dần thêm. Xung quanh, những người đã tạm xong công việc lấy số như tôi bắt đầu mang những xôi, bánh chưng, giò lấy trong tay nải ra, có lẽ giờ họ mới rảnh để dùng quà sáng. Ấy là cái hương vị thứ hai, rất mộc mạc, quen thuộc, đủ khiến người ta ( cụ thể là tôi ) đói đến nao lòng. Hẳn vậy, thời gian trong bệnh viện trôi rất chậm, chậm như cả tuần vậy. Nên không việc gì phải bỏ một bữa ăn quan trọng như bữa sáng. Thời gian trôi rất chậm nhưng công việc lại rất nhiều, vì thế mà những hương thơm của bánh, xôi, giò, gà luộc ấy nghe cũng thật tranh thủ và vội vàng, gấp gáp. Phải tranh thủ, gấp gáp thôi vì người nhà của họ có thể được gọi đến tên bất cứ lúc nào, và trách nhiệm của họ là lúc nào cũng phải sẵn sàng.

Một trong n lần xếp hàng

Càng về trưa, trời càng nóng, bệnh viện đã lắp hệ thống điều hoà, quạt gió khắp lối đi, chỗ chờ nhưng người thì đông, lại nháo nhác đi lại, chen chúc xếp hàng, rồi thì khám mỗi khoa một chỗ, không ít lần phải di chuyển ngoài trời. Nên mồ hôi tôi cứ tuôn ra, áo cũng ướt hết lưng và nách 😃. Dần dần nó khô đi nhưng lại chua lên. Ấy là cái cảm nhận của riêng tôi nhưng chắc cũng là tình cảnh của rất nhiều người. Tại vì lúc chen chúc nhau trong thang máy, lại là mùi ấy nhưng nồng nặc hơn, xộc thẳng lên mũi làm tỉnh cả ngủ. Hẳn là phép luỹ thừa của rất nhiều hương vị khác nhau của hàng chục cái nách đang chen nhau trong thang máy. Cũng phải thôi! Không trách ai được! Cả một ngày chạy dài qua các phòng, nhiều khi đến phòng A, bác sỹ hướng dẫn sang phòng B, phòng B lại bắt sang phòng C đóng tiền rồi quay lại phòng B khám rồi lấy kết quả sang phòng A. Quy trình lùng nhùng ấy lặp lại dăm ba lần thì bất cứ ai cũng mệt nhoài và ướt đẫm mồ hôi. Nhưng hầu như những người mệt nhất trong những cuộc chạy xô, để nách chua lòm ấy lại là những thân nhân đưa người bệnh đi khám. Vì chỉ họ mới đủ sức để chịu được những màn tra tấn về thể lực kia mà thôi. Thế nên có lẽ mùi vị mà tôi đang đề cập đến, nên được gọi là mùi của sự tấp nập (khi đi từ phòng này sang phòng kia, khoa này sang khoa nọ), mùi của sự chen chúc (trong những lúc xếp hang, chen chúc ngay cả khi ngồi chờ), mùi của sự lo lắng, sốt sắng, mùi của sự tận tuỵ vô tư và sự hi sinh không chờ báo đáp. Đó là những người cháu đưa bà, người chồng đưa vợ, người mẹ đưa con…dắt díu nhau từ sáng sớm, quần áo mặc thì xuề xoà, cũng chẳng xức nước hoa, chạy qua chạy lại như những vận động viên điền kinh thực thụ với mong muốn duy nhất người thân mình nhanh được chữa trị thật nhanh và chóng hồi khoẻ mạnh. Tự nhiên thấy rằng những giọt mồ hôi ấy, thật đáng chân trọng biết bao ^^. Ấy là mùi thứ ba

Còn vô vàn mùi tôi ngửi và chiêm nghiệm được  trong mỗi lần đi bệnh viện, mùi nhà WC, mùi những tệp tiền mới cứng vừa rút, mùi thuốc lá ngoài hành lang, thậm chí cả mùi thuốc lào mà các đấng ông chồng mang lên từ tận quê xa hút cho đỡ nhớ, mùi rác, mùi nước hoa (hiếm khi) nhưng có lẽ ba mùi tôi đề cập trên thực là mùi mà tôi ấn tượng nhất.

Ấn tượng vì nhớ đến bệnh viện, ngoài sự ngán ngẩm không muốn đi thì những mùi ấy là những mùi tôi thường nhớ đến. Và như một chân lý, chẳng ai thích hay thích đến bệnh viện nhưng cũng như một lẽ tự nhiên, chẳng ai không bao giờ ốm, và là một lẽ thường tình, người ốm chỉ có bệnh viện là nơi để đến, bấu víu hi vọng cho sức khỏe, điểm tựa cho nỗi đau, và quả thật, bệnh viện cũng đã cứu rỗi biết bao tâm hồn tươi đẹp được tự do bay nhẩy trong một cơ thể bình thường. Vì “hông thể có một tâm hồn khỏe mạnh trong một cơ thể yếu ớt”

Có lẽ không thể thiếu bệnh viện, từ xưa nay đã vậy, nhưng không nhất thiết phải đến bệnh viện hay chí ít là không đến thường xuyên. Cách duy nhất là hãy để chúng ta thật khỏe mạnh!

Bệnh viện muôn màu! Bệnh viện muôn người! Bệnh viện muôn mùi!

-TTDN-

(1): Theo thống kê (2021) Hiện tại, mỗi người Việt khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền túi bỏ ra bình quân 129 USD/người (tương đương khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng), trong khi thu nhập bình quân đầu người nước ta năm 2021 là 4.2 triệu đồng/1 tháng (mỗi ngày gần 150.000-chỉ đủ ngày nào ăn ngày đó). Hiểu nôm na là trung bình mỗi người việt giành ra ¾ tháng lương 1 năm cho chi phí y tế (tức là 1 năm trung bình ta sẽ phải nhịn đói 22 ngày 😀  âu sệt)

Bình luận

  1. Nah

    Hay quá bạn, chúc bạn và mọi người đều luôn khỏe mạnh nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.